Hiểu về biểu tượng từ Di sản Phi vật thể để quảng bá và hấp dẫn du khách
Xung quanh câu chuyện quảng bá Di sản Văn hóa Phi vật thể Việt Nam và giải mã một số biểu tượng từ di sản, Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Thanh đã có những chia sẻ với phóng viên.
Được giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards-WTA) vinh danh lần thứ tư liên tiếp từ năm 2019 tới nay là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới,” Việt Nam có nhiều cơ hội để quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống để hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Là nhà nghiên cứu gắn bó sâu sắc với văn hóa các tộc người thiểu số của Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện quảng bá di sản Việt và giải mã biểu tượng từ di sản.
Ý nghĩa những biểu tượng từ di sản
- Thời gian gần đây diễn ra nhiều sự kiện quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận, theo ông điều đó có ý nghĩa thế nào trong việc thu hút du khách du lịch?
Giáo sư, tiến sỹ Bùi Quang Thanh: Bất kỳ di sản nào của Việt Nam được UNESCO vinh danh Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại thì kèm theo hồ sơ đó luôn có chương trình hành động do Thủ tướng Chính phủ cam kết với UNESCO trong việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản đó.
Chính vì vậy, mỗi di sản của chúng ta, từ Nhã nhạc Cung đình Huế đến Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh… và gần đây nhất là Nghệ thuật Xòe Thái đều có chương trình hành động.
Để di sản mang lại những lợi ích về kinh tế, văn hóa, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản thì không có khách nào khác chúng ta phải luôn có những hình thức quảng bá.
Quảng bá ở đây không chỉ là quảng bá trong cộng đồng địa phương mà còn quảng bá tới du khách trong và ngoài nước. Đây chính là hình thức góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam theo đúng chiến lược mà Thủ tướng đã ký năm 2016.
Tôi cho rằng quá trình quảng bá này cũng góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cho đội ngũ những nhà quản lý văn hóa ở các địa phương có di sản. Nó vừa khơi dậy niềm tự hào di sản vừa khơi dậy ý thức tự giác bảo vệ di sản, tuyên truyền quảng bá và bảo tồn các giá trị di sản cho thế hệ mai sau… đồng thời góp phần phát triển du lịch địa phương nói riêng và du lịch quốc gia nói chung.
- Trong số các di sản ông vừa điểm danh, có Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái vừa được đưa về quảng bá ngay trong lòng phố cổ Hà Nội. Nhiều du khách trong nước và quốc tế lần đầu được tiếp xúc trực tiếp với hai di sản này đã rất ngạc nhiên và thích thú. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết được những biểu tượng ẩn chứa trong đó…
Giáo sư, tiến sỹ Bùi Quang Thanh: Đúng vậy, bởi Xòe Thái ở vùng Tây Bắc còn gắn với văn hóa tín ngưỡng. Các nhân vật được coi là nghệ nhân am hiểu, lưu trữ, thậm chí tham gia vào quá trình sáng tạo Xòe Thái đó chính là các thầy cúng, thầy mo…
Họ sử dụng Xòe Thái, dạy cho những người được mình chữa khỏi bệnh biết về Xòe để thực hành các nghi lễ, dùng Xòe như một phương tiện để thực hành trong tín ngưỡng cúng Giàng, tiễn đưa linh hồn về trời hay đón linh hồn nhập về chứng kiến tấm lòng hiếu thảo của con cháu trong những ngày giỗ chạp; hoặc thực hiện Xòe trong những nghi lễ cúng lúa mới, cúng vòng đời hay như ở Vân Hồ, Sơn La, Xòe Thái còn được thực hiện trong cả tang ma.
Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi còn thấy Xòe Thái chứa đựng rất nhiều biểu tượng thông qua các hành vi múa. Xòe tiếng Thái là Xe Thái, Xòe cổ là Xe cáu ké. Khi xem Xe Thái về múa khăn chẳng hạn, cô gái Thái mà cầm khăn vắt chéo là tượng trưng cho mái chèo và động tác múa tay chèo thuyền là để tiễn đưa linh hồn về thượng giới, còn khăn bắt chéo ngược lại là để đón các thần linh về chứng giám tấm lòng thành của con cháu; nếu cô gái cầm khăn quay như đánh roi ngựa thì đó chính là đang giong ngựa để đón linh hồn…
Trong ba loại Xòe là Xòe tín ngưỡng, Xòe vòng và Xòe biểu diễn thì Xòe tín ngưỡng ẩn chứa rất nhiều biểu tượng văn hóa khác nhau. Chính vì vậy, khi giới thiệu các giá trị nghệ thuật Xòe Thái trên cơ sở gốc của 6 điệu Xòe cổ, chúng tôi thấy người Thái đã sáng tạo ra sinh hoạt Xòe vô cùng đa dạng, sinh động và chứa đựng vô số biểu tượng ý nghĩa, hấp dẫn.
Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi tên như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa... Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn hòa đồng cùng nhau.
Khi xét duyệt đưa Xòe Thái vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại thì Ủy ban Quốc gia UNESCO đánh giá Xòe Thái thể hiện được bản sắc dân tộc Thái cùng sự cố kết cộng đồng trong quá trình Xòe, nắm tay, sát cánh bên nhau, đoàn kết chặt chẽ… Đồng thời, Xòe Thái cũng khuyến khích sự đối thoại, trò chuyện giữa các cá nhân, cộng đồng, các dân tộc, thể hiện sự tôn trọng nhau và tính nhân văn. Đó cũng chính là giá trị nổi bật của Xòe.
Cá nhân tôi xin bày tỏ lòng tri ân, biết ơn và cám ơn các thế hệ nghệ nhân đã tham gia sáng tạo, thực hành, lưu truyền và bảo vệ, phát huy các giá trị di sản của quê hương mình nói riêng và của đất nước nói chung.
Ứng xử thế nào với người nắm giữ tri thức di sản?
- Theo ông, 15 Di sản Văn hóa Phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận đã và sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo cũng như nâng cao đời sống cộng đồng địa phương sở hữu những di sản này ra sao và thời gian tới cần phải đẩy mạnh hơn nữa điều gì?
Giáo sư, tiến sỹ Bùi Quang Thanh: Tôi cho rằng khoảng 20 năm vừa qua, chúng ta có 15 Di sản Văn hóa Phi vật thể được UNESCO đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện Nhân loại, Di sản Văn hóa Cần bảo vệ khẩn cấp như Ca trù chẳng hạn.
Chúng ta cũng đã bước đầu có những hình thức quảng bá, khai thác và phát huy giá trị di sản, vừa góp phần xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, xây dựng mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, thu nhập ở các địa phương có di sản nhưng đồng thời cũng đặt ra một số thách thức.
Đó là khi các phương tiện thông tin đại chúng du nhập văn hóa nước ngoài, khiến một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay thờ ơ với di sản văn hóa truyền thống, thích những gì mới lạ. Chính vì vậy, chúng ta cần những giải pháp mang tính ứng dụng cụ thể từ phạm vi gia đình, nhà trường để giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết về di sản văn hóa truyền thống, có hiểu biết và yêu thích các em mới tham gia sinh hoạt lễ hội, tham gia sinh hoạt tín ngưỡng và tham gia bảo vệ di sản.
Tôi cho rằng, ở các địa phương trên cả nước vấn đề nhận thức để bảo vệ và phát huy di sản không đồng đều. Có những địa phương thể hiện ứng xử với nghệ nhân dân gian rất cụ thể, không chỉ động viên về mặt tinh thần mà cả về kinh tế, như Bắc Ninh, Phú Thọ, nhưng có những địa phương thì không.
Chúng ta cần suy nghĩ và nhận thức rằng nghệ nhân chính là những hạt nhân bảo vệ di sản cốt lõi nhất. Bởi họ nắm giữ “chìa khóa” tri thức di sản, họ mất đi sẽ mang theo cả những tri thức đó và không trao truyền lại được cho thế hệ trẻ.
Chính vì vậy, bên cạnh việc quan tâm, thay đổi hoặc sửa đổi những quy chế, chính sách ứng xử với nghệ nhân, ứng xử với di sản, cần kịp thời đáp ứng được những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cũng như cần phải có sự kết hợp đồng bộ với các sở, ban, ngành; đẩy mạnh “mối quan hệ tay ba” giữa nhà trường-gia đình-xã hội.
Đồng thời, không nên coi rằng bảo vệ di sản văn hóa chỉ là nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà nó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các bộ liên ngành như bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính…
Mặc dù các chủ trương, Thông tư, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước đã rất cụ thể, rất rõ ràng, đáp ứng rất tốt với thực tiễn nhưng nó vẫn có tồn tại ở khâu triển khai, quán triệt, ứng dụng vào thực tiễn vẫn có những hạn chế và thiếu đồng bộ giữa các địa phương với nhau.
- Vâng xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.