Hình ảnh chai bia Larue khắp phố đi bộ Đà Nẵng gây tranh cãi

Phố đi bộ Bạch Đằng là phố đi bộ đầu tiên ở Đà Nẵng được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, sắp được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, tại các điểm check-in của con phố có gắn các logo, hình ảnh chai bia đang gây tranh cãi.

Nhãn hàng xuất hiện thiếu tinh tế !

Phố đi bộ Bạch Đằng trên đường Bạch Đằng nối dài (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đoạn từ giáp đường dẫn lên cầu Trần Thị Lý đến cuối Công viên APEC, gần cầu Rồng với chiều dài 1,2km. Khi hoàn thành, nơi đây được kỳ vọng là điểm tham quan, mua sắm... của người dân và du khách khi đến Đà Nẵng.

Dự kiến, phố đi bộ sẽ có 3 cụm ki-ốt bán hàng di động với 12 ki-ốt trên toàn tuyến vỉa hè phía Đông đường Bạch Đằng. Các ki-ốt sẽ sử dụng container loại 20 feet (dài 6m, rộng 2,5m) và do hộ kinh doanh tự đầu tư, trang trí. Đồng thời sẽ có 5 cụm xe bán hàng lưu động với 15 xe trên làn xe phía đông đường Bạch Đằng, vị trí xe xen kẽ với các ki-ốt.

Hình ảnh chai bia nhãn hiệu Larue xuất hiện lớn ở phía sau điểm check-in "DA NANG". Ảnh: T.V.

Hình ảnh chai bia nhãn hiệu Larue xuất hiện lớn ở phía sau điểm check-in "DA NANG". Ảnh: T.V.

Cùng với đó, quận Hải Châu sẽ bố trí 5 điểm check-in; xây dựng 2 khu vệ sinh công cộng; không gian sinh hoạt cộng đồng, có ghế đá ngồi trên vỉa hè; thùng rác cảnh quan và thùng đựng rác tái chế; các trạm phát wifi miễn phí; 4 cụm camera an ninh; trang trí đèn chiếu sáng, nghệ thuật và cây xanh.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện các mô hình, tiểu cảnh tại phố đi bộ Bạch Đằng cơ bản đã hoàn thành; các ki-ốt cũng được các đơn vị kinh doanh triển khai, bắt đầu dần hình thành tại đây.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt tại phố đi bộ Bạch Đằng này là các điểm check-in. Khi tại đây, xuất hiện hình ảnh chai bia và logo của bia Larue (một sản phẩm của Công ty Heineken Việt Nam). Nhiều người cho rằng việc xuất hiện của nhãn hàng ở các điểm check-in là chưa phù hợp.

Logo bia Larue xuất hiện tại điểm check-in. Ảnh: T.V.

Logo bia Larue xuất hiện tại điểm check-in. Ảnh: T.V.

Anh P.H.L, người dân Đà Nẵng cho rằng, phố đi bộ Bạch Đằng là phố đi bộ đầu tiên của Đà Nẵng sắp khai trương, tuy nhiên cần phải có những điều cần làm rõ. Trong đó, đây là "phố đi bộ" hay "phố đi nhậu" mà điểm check-in nào cũng gắn bia.

"Nếu đã xã hội hóa trong việc thi công các điểm check-in này, thành phố cần có cách nào đó để "chèn" quảng cáo này một cách thẩm mỹ, tinh tế và phù hợp với các chi tiết chính", anh L. chia sẻ.

Tương tự, chị Linh (du khách người Quảng Trị) cho biết, việc triển khai phố đi bộ ngay giữa trung tâm thành phố sẽ giúp cho thành phố có thêm sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Tuy nhiên, việc lồng ghép nhãn hàng vào các điểm check-in vẫn chưa được tinh tế, sẽ gây "sượng" cho du khách mỗi khi chụp ảnh.

Được biết, quận Hải Châu sẽ bố trí 5 điểm check-in tại phố đi bộ Bạch Đằng. Ảnh: X.H

Được biết, quận Hải Châu sẽ bố trí 5 điểm check-in tại phố đi bộ Bạch Đằng. Ảnh: X.H

Cơ quan quản lý nói gì?

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Thanh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) – đơn vị được thành phố giao cho tổ chức phương án thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng cho biết, cách đây 10 năm, thành phố giao cho UBND quận Hải Châu và các đơn vị liên quan triển khai phố đi bộ nhưng thất bại.

Đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024, với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, quận đã cùng với các đơn vị tư vấn, thiết kế và nhà thầu tổ chức thi công phố đi bộ Bạch Đằng. Đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục.

Theo ông Dũng, phố đi bộ Bạch Đằng không đặt nặng vấn đề kinh doanh, mà sẽ dành không gian cho du khách, người dân vui chơi, giải trí. Nên nơi đây chỉ bố trí các ki-ốt bán hàng để phục vụ du khách khi trải nghiệm.

"Phố đi bộ Bạch Đằng được đầu tư khoảng 13 tỷ đồng, dùng hoàn toàn bằng nguồn ngân sách. Trong khi đó, có 2 đơn vị là Heineken và Grab đã tài trợ 3 tỷ đồng để đầu tư các điểm check-in, sạc điện, ghế đá…", ông Dũng thông tin.

Ông Dũng cho rằng, đối với các điểm check-in tại phố đi bộ Bạch Đằng, trong thiết kế đã đưa hình ảnh, nhãn mác của bia Larue vào. Trong quá trình hoàn thiện thi công đã ghi nhận những phản ánh là chưa phù hợp, đặc biệt là nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội cho rằng "thành phố chúng ta là thành phố uống bia", "say xỉn".

"Đối với những ý kiến này, chúng tôi sẽ tiếp thu. Tuy nhiên, đối với thành phố du lịch thì chúng ta phải làm sao phục vụ một cách tốt nhất cho du khách. Và chúng tôi nghĩ rằng, đối với bia Larue không sao cả", ông Dũng nói.

Các ki-ốt cũng được các đơn vị kinh doanh triển khai, dần hình thành tại phố đi bộ. Ảnh: T.V.

Các ki-ốt cũng được các đơn vị kinh doanh triển khai, dần hình thành tại phố đi bộ. Ảnh: T.V.

Ông Dũng cũng dẫn chứng, khi đến với TP. Hà Nội, chúng ta luôn muốn thưởng thức 1 cốc bia hơi Hà Nội, nó mang một hương vị đậm đà bản sắc. Thì bia Larue cũng là một loại bia gắn liền với TP. Đà Nẵng, chính vì vậy mà chúng tôi muốn có sự đột phá để giúp cho một thương hiệu bia gắn liền với thành phố này đến với du khách.

"Việc đặt logo nhãn hàng trong quá trình tổ chức, thực hiện là tài trợ, xã hội hóa để bớt đi kinh phí đầu tư từ ngân sách. Tuy nhiên, vị trí đặt logo có thể chưa phù hợp với người dân và du khách, chúng tôi tiếp thu và sẽ có điều chỉnh để cho phù hợp", ông Dũng cho hay và khẳng định, quận sẽ từng bước mang lại dịch vụ, tiện ích tốt nhất cho du khách khi đến với phố đi bộ.

Theo THÀNH VÂN/Nhà đầu tư

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tieu-dung-ban-doc/hinh-anh-chai-bia-larue-khap-pho-di-bo-da-nang-gay-tranh-cai-212851.html