Hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, chương trình phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 100% nhà giáo của các cơ sở GDNN được đào tạo phát triển học liệu số. Đến năm 2030, phấn đấu 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; phấn đấu 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng KH-CN mới. Chương trình cũng đặt mục tiêu hình thành nền tảng số GDNN quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học vào năm 2025. Đến năm 2030, phấn đấu 100% trường cao đẳng, trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số GDNN quốc gia. Phấn đấu 100% cơ sở GDNN đến năm 2030 số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng GDNN của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số.

Để đạt được kết quả nêu trên là không hề dễ, bởi dạy học trực tuyến dường như mới chỉ được các cơ sở GDNN đẩy mạnh trong 2 năm trở lại đây nhằm thích ứng với điều kiện dịch bệnh COVID-19. Làm sao để học sinh, sinh viên và giảng viên tại các cơ sở GDNN phát huy được vai trò của chuyển đổi số trong thời đại công nghệ là rất quan trọng.

Hiện nhiều cơ sở GDNN bước đầu áp dụng công nghệ và học liệu số trong việc dạy học. Theo kết quả khảo sát online của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực (Tiểu ban GDNN) đối với 997 cán bộ quản lý các cấp, 2.108 nhà giáo, 16.671 học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN và 138 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN, cho thấy trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, 69,5% số lượng giáo viên và 83,8% số lượng học viên có tham gia dạy và học thông qua các công cụ dạy học trực tuyến như Zoom, Google Meeting, Microsoft Teams. Có 69,8% giáo viên đã được đào tạo, hướng dẫn giảng dạy trực tuyến. Xét trên yếu tố tương tác qua lại giữa người dạy và người học, phần lớn các công nghệ sử dụng chỉ mang tính chất một chiều: giáo viên sử dụng công nghệ và học liệu để trình diễn cho học viên xem.

Tại Phú Yên, để thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19, các cơ sở GDNN cũng đang từng bước chuyển đổi số trong dạy và học. Hiện các trường tập trung nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho các nhà giáo. Đây là yếu tố cốt lõi quyết định đến hiệu quả dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, đối với nhà giáo hiện nay, phần lớn đều xem dạy học trực tuyến là hình thức dạy học hoàn toàn mới, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các nền tảng công nghệ số trong dạy học trực tuyến còn nhiều hạn chế. Các nhà thực hành, thư viện… vẫn chủ yếu thực hiện theo kiểu truyền thống, chưa điện tử hóa, chưa có thư viện số, phòng thực hành số…

Việc nâng cao năng lực cho giáo viên thông qua các chương trình đào tạo trực tuyến là cần thiết. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, rõ ràng còn rất nhiều điều mà các cơ sở GDNN cần phải nỗ lực vượt qua.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/269824/hinh-thanh-nen-tang-so-giao-duc-nghe-nghiep.html