Hồ Tịnh Tâm: Ký ức ngự uyển giữa lòng Cố đô
Giữa bao tầng lớp kiến trúc và cảnh quan cổ kính của đất Thần Kinh, hồ Tịnh Tâm hiện lên như một viên ngọc trầm lắng, mang trong mình dấu tích vương triều, thi hứng hoàng cung và một vẻ đẹp hài hòa giữa bàn tay con người với thiên nhiên.
Nằm trên địa phận phường Phú Xuân, thành phố Huế, hồ Tịnh Tâm xưa vốn là một đoạn sông Kim Long, được cải tạo thành ao Ký Tế. Mãi đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của triều đình nhà Nguyễn, hơn 8.000 binh lính đã được huy động để quy hoạch, mở rộng và tôn tạo nơi đây thành một Ngự Uyển của Hoàng gia, lấy tên mới là Tịnh Tâm - cái tên mang hàm ý thanh tịnh, yên lành giữa chốn kinh thành rộn rã.

Bố cục hồ và kiến trúc phong nhã
Hồ Tịnh Tâm có hình chữ nhật, chu vi gần 1.500m, bao quanh bởi một vòng tường gạch cao vững chãi, với bốn cổng chính mang tên đầy thi vị: Hạ Huân (Nam), Đông Hy (Bắc), Xuân Quang (Đông), Thu Nguyệt (Tây) - gợi tứ thời bốn mùa hòa hợp.
Trên mặt hồ thanh tịnh, ba hòn đảo nổi lên như ba đóa sen giữa biển lá: Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu – mỗi đảo là một điểm nhấn kiến trúc, văn hóa và biểu tượng cảnh quan.
Bồng Lai, đảo lớn phía Nam, là trung tâm của điện Bồng Doanh nguy nga - mái ngói hoàng lưu ly, trùng diêm thanh thoát, có lan can gạch bao quanh, cùng cầu Bồng Doanh nối liền với bờ Nam.
Phương Trượng, đảo giữa, nổi bật với gác Nam Huân hai tầng, các công trình phụ như lầu Tịnh Tâm, hiên Dưỡng Tính, nhà Hạo Nhiên (sau đổi thành Thiên Nhiên) đều mang bố cục cân đối, quay về bốn hướng, như những cánh tay mở rộng đón gió trời.
Doanh Châu ở phía Tây Nam, nhỏ hơn nhưng được tạo dáng như một non bộ thu nhỏ, thể hiện kỹ nghệ sắp đặt tinh tế của các nghệ nhân cung đình.
Các đảo được kết nối bằng hệ thống cầu, hành lang mái ngói: đình Tứ Đạt và cầu Bích Tảo, cầu Hồng Cừ uốn lượn mềm mại, chạy dọc theo các trục nối, tạo nên không gian liên hoàn – một hình mẫu tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc cảnh quan cổ điển Việt Nam.
Chạy giữa lòng hồ là đê Kim Oanh, nối bờ Đông với bờ Tây. Cầu Lục Liễu 3 gian nằm ở phía Đông, hành lang dài 56 gian dẫn về cầu Bạch Tần - nơi neo đậu của thuyền ngự, cùng nhà tạ Thanh Tước và Khúc Tạ Hà Phong tạo thành tổ hợp nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên cho các vua Nguyễn mỗi độ xuân thu.
Không chỉ là công trình kiến trúc, hồ Tịnh Tâm là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca cung đình. Từ Minh Mạng, Thiệu Trị đến Tự Đức – các bậc đế vương đều từng đề thơ ca ngợi vẻ đẹp của hồ. Nổi bật nhất là bài thơ “Tịnh Hồ Hạ Hứng” của vua Thiệu Trị - một trong hai mươi bài thơ ca ngợi cảnh đẹp đất Thần Kinh, sau này được vẽ lên tranh gương treo ở các cung điện, khắc họa vẻ đẹp và khí chất thanh cao của hồ.
Mỗi hòn đảo, mỗi cây liễu rủ bên bờ, mỗi đài tạ, hành lang đều góp phần làm nên bản hòa ca kiến trúc - thi ca - thiên nhiên. Dưới lòng hồ, chỉ trồng duy nhất một loại sen trắng – loài hoa biểu trưng cho sự thanh khiết, tôn nghiêm, gắn liền với hình ảnh vua chúa và phẩm cách đạo Nho - Phật.

Biến thiên thời gian và nỗ lực bảo tồn
Từ cuối thế kỷ XIX, khi triều đại phong kiến suy vong, hồ Tịnh Tâm cũng dần mai một. Những kiến trúc gỗ bắt đầu bị mục nát, nhiều công trình bị triệt giải hoặc hư hỏng nặng. Năm 1946, vòng tường gạch bao quanh bị phá dỡ để xây mới thấp hơn. Năm 1960, nền điện Bồng Doanh xưa được dựng tạm một ngôi đình bát giác nhỏ để tưởng niệm; một cây cầu bê tông được xây thêm nối đảo Bồng Lai với đê Kim Oanh - dấu tích muộn mằn của sự can thiệp hiện đại trong lòng di sản cổ.
Dẫu vậy, trong tâm thức người dân Huế, hồ Tịnh Tâm vẫn là một biểu tượng lặng lẽ nhưng đầy sâu lắng, gợi nhớ về một thời vàng son nơi đất Cố đô. Hồ từng là nơi dạo chơi của vua chúa, nơi dừng chân thưởng nguyệt, ngâm thơ, lặng nhìn sen nở giữa mùa hạ. Cũng chính vì giá trị ấy, năm 2004, hồ Tịnh Tâm được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 99/2004/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin.
Giữa một Huế đang từng bước hiện đại hóa, hồ Tịnh Tâm vẫn nằm đó khiêm nhường và lặng lẽ. Nhưng chính sự tĩnh lặng ấy lại là chất men khiến những ai yêu Huế, yêu kiến trúc cổ không thể không day dứt.
Có lẽ, điều cần thiết không chỉ là trùng tu những viên ngói hoàng lưu ly đã rơi rụng, mà là khôi phục lại “tâm thế Tịnh Tâm” trong lòng công chúng - một không gian mà thiên nhiên, con người và văn hóa cung đình từng cùng tồn tại trong sự đồng điệu hiếm có.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ho-tinh-tam-ky-uc-ngu-uyen-giua-long-co-do-a29374.html