Hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh TH, THCS tại các xã biên giới: Hiệu trưởng vui mừng
Để chính sách thực sự hiệu quả và bền vững, cần đi kèm với đầu tư về cơ sở vật chất, tránh tình trạng 'thiếu trước hụt sau' trong triển khai thực tế.
Nghị quyết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV có nhiều nội dung quan trọng. Trong đó đáng chú ý là Quốc hội thống nhất chủ trương Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại các xã biên giới (đối tượng bao gồm cả học sinh là người dân tộc thiểu số và học sinh là người dân tộc Kinh sinh sống tại các xã biên giới); các địa phương cần tập trung xây dựng hoàn thiện các trường liên cấp nội trú, bán trú cho các xã biên giới, tạo thuận lợi cho việc học tập và sinh hoạt của học sinh.
Chính sách này được đánh giá cao nhờ tính nhân văn sâu sắc và tầm nhìn chiến lược, sẽ tạo ra tác động tích cực đối với sự phát triển của ngành giáo dục.
Chính sách nhân văn, đúng thời điểm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đào Long Hải - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mù Cả (Lai Châu) bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao chính sách này.
Theo thầy Hải, đây là một chính sách rất thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm cụ thể, kịp thời của Đảng và Nhà nước đối với học sinh ở vùng cao, nơi điều kiện sống và học tập còn nhiều thiếu thốn.
“Ở những khu vực miền núi xa xôi, việc đến được trường học đối với trẻ em là cả một hành trình gian nan. Quãng đường từ nhà đến lớp thường rất xa, địa hình phức tạp, có nơi học sinh phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ băng rừng, vượt suối. Trong khi đó, bố mẹ các em chủ yếu làm nương rẫy, không có điều kiện đưa đón con thường xuyên”, thầy Hải chia sẻ.
Thầy cho biết thêm, đối với nhiều gia đình vùng sâu vùng xa, ngoài chuyện học hành thì bữa ăn hàng ngày cho con cũng là một nỗi lo. Việc đầu tư cho con em ăn học với nỗi lo về kinh tế là không nhỏ.
Thực tế cho thấy, tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương miền núi, biên giới. Chính vì vậy, việc Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa không chỉ là sự đầu tư cho hiện tại mà còn là bước đi chiến lược, lâu dài để phát triển giáo dục bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
"Khi các em được ăn no, đủ chất, tinh thần học tập cũng tốt hơn, cha mẹ yên tâm hơn khi cho con đến lớp. Đây thực sự là một chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tầm nhìn xa trong phát triển nguồn nhân lực cho các khu vực khó khăn", thầy Hải nhấn mạnh.

Một giờ học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mù Cả (Lai Châu). Ảnh: NVCC
Trong khi đó, thầy Nguyễn Xuân Chung - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú số 1 Sán Chải (Lào Cai) chia sẻ, sự chênh lệch về điều kiện sống, học tập giữa các vùng miền vẫn đang là một thách thức. Trong khi học sinh ở thành phố có đầy đủ điều kiện phát triển thể chất và trí tuệ, thì ở miền núi, các em còn thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, dịch vụ y tế, giáo dục và đặc biệt là chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
"Hiện nay, 100% học sinh của nhà trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn phụ huynh phải đi làm ăn xa, nên các em gần như sinh hoạt hoàn toàn tại trường và được thầy cô thay cha mẹ chăm sóc, quản lý. Điều kiện ăn ở của học sinh chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước và sự huy động từ nhà trường", thầy Chung cho biết.
Theo Nghị định số 66/2025/NĐ-CP của Chính phủ, học sinh, học sinh là người dân tộc thiểu số hoặc sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ về tiền ăn, nhà ở, thậm chí là gạo. Tuy nhiên, quy định hiện hành mới chỉ áp dụng cho đối tượng học sinh bán trú, trong khi thực tế tại trường vẫn có rất nhiều em dù không ở lại trường (không theo diện bán trú) nhưng hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn không kém.
“Với những trường hợp này, nhà trường buộc phải cân đối để hỗ trợ thêm cho các em. Nhưng rõ ràng, điều đó là chưa đủ và cũng không thể duy trì lâu dài nếu không có nguồn lực ổn định,” thầy Chung chia sẻ.
Do đó, thầy Chung bày tỏ sự vui mừng khi Quốc hội thống nhất chủ trương Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở các xã biên giới. Đây là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
“Việc tất cả học sinh - không phân biệt bán trú hay không đều được hỗ trợ sẽ giúp nhà trường yên tâm tổ chức chăm sóc, nuôi dạy học sinh tốt hơn. Học sinh có đủ dinh dưỡng sẽ khỏe mạnh, học tập hiệu quả và gắn bó với trường lớp hơn. Đây là điều mà các thầy cô giáo ở vùng cao như chúng tôi mong mỏi từ lâu,” thầy Chung nhấn mạnh.
Bên cạnh niềm vui khi chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tại các xã biên giới được triển khai, thầy Nguyễn Xuân Chung cũng không giấu được những trăn trở về điều kiện thực hiện chính sách tại thực tiễn. Bởi, dù đã có hỗ trợ về tài chính để lo bữa ăn cho học sinh, nhưng cơ sở vật chất của nhà trường và nhiều đơn vị giáo dục miền núi khác vẫn còn rất nhiều hạn chế, khiến việc tổ chức bữa ăn bán trú gặp không ít khó khăn.
Theo chia sẻ của thầy Chung, phần lớn nhà ăn, bếp nấu tại các trường vùng cao đều rất đơn sơ, chật hẹp, chỉ được gia cố đơn giản hoặc được cải tạo lại từ những phòng học cũ. Trong điều kiện thiếu thốn như vậy, nếu không có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất thì rất khó để chính sách đi vào thực chất và bền vững.
Do đó, thầy bày tỏ mong muốn được quan tâm, bố trí thêm nguồn lực để hỗ trợ các trường miền núi nâng cấp nhà ăn, bếp nấu, cũng như bổ sung trang thiết bị, dụng cụ nấu nướng. Điều này giúp đảm bảo đúng mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc toàn diện cho người học.
Cơ sở vật chất vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thật sự đầy đủ
Để chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh vùng biên giới thực sự phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống một cách bền vững, việc bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất tại các trường học là yếu tố then chốt. Những hạng mục như nhà ăn, bếp nấu,... cần được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu tối thiểu về vệ sinh, an toàn và phục vụ lâu dài.
Thầy Nguyễn Trường Lâm - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Mèo Vạc (Tuyên Quang, trước đây thuộc địa giới Hà Giang) cho biết, mặc dù học sinh tại khu vực miền núi, biên giới đã được hưởng chế độ bán trú trong thời gian vừa qua, nhưng chất lượng bữa ăn hằng ngày vẫn chưa đảm bảo như kỳ vọng.
Theo thầy Lâm, một trong những nguyên nhân là do giá cả hàng hóa, thực phẩm đưa lên vùng cao thường cao hơn nhiều so với miền xuôi. “Các đơn vị cung ứng thực phẩm từ vùng thấp vận chuyển lên đều phải chịu chi phí vận chuyển và thuế một lần. Khi tới tay nhà trường, nhà trường lại tiếp tục phải chịu thêm các loại thuế, chi phí khác. Tính chung lại, khẩu phần ăn của học sinh mất đi khoảng 10% giá trị so với con số hỗ trợ trên giấy tờ,” thầy phân tích.

Thầy Nguyễn Trường Lâm - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Mèo Vạc. Ảnh: website nhà trường
Thầy Lâm cũng cho biết, theo mức hỗ trợ hiện hành quy định tại Nghị định 66, khoản tiền được cấp cho mỗi học sinh không chỉ dùng để mua thực phẩm mà còn phải chi trả cho các khoản như gas, gia vị, nước mắm, dầu ăn, chất đốt... Vì vậy, để tổ chức một bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, nhà trường phải tính toán, cân đối rất kỹ lưỡng. Trong nhiều trường hợp, khẩu phần ăn buộc phải “liệu cơm gắp mắm”, chưa thể đạt được chất lượng như mong muốn của giáo viên và học sinh.
Từ thực tiễn đó, thầy Lâm bày tỏ hy vọng khi chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh vùng biên giới sẽ được tính toán kỹ đến mức hỗ trợ cụ thể cho khẩu phần ăn, đảm bảo đủ chất, đủ lượng cho các em. Bữa ăn đủ dinh dưỡng không chỉ giúp các em phát triển thể chất mà còn là động lực để các em duy trì việc học đều đặn ở những nơi còn nhiều gian khó.
“Trong thời gian qua, nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp và đoàn thiện nguyện. Tuy nhiên, đây chỉ là nguồn hỗ trợ mang tính thời điểm, không ổn định và không thể duy trì lâu dài để phục vụ cho nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của học sinh.
Dù vậy, nhà trường vẫn luôn nỗ lực xoay xở trong khả năng có thể để đảm bảo học sinh có một bữa trưa đầy đủ nhất. Nếu chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở tại các xã biên giới được triển khai một cách hiệu quả, chắc chắn sẽ giúp cải thiện đáng kể bữa ăn cho các em, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dinh dưỡng và sức khỏe học sinh vùng cao, tạo tiền đề cho các em học tập và phát triển tốt hơn,” thầy Lâm bày tỏ kỳ vọng.
Còn theo chia sẻ từ thầy Đào Long Hải, hiện nay nhà trường đã có những bước chuẩn bị nhất định về cơ sở vật chất để phục vụ bữa ăn cho học sinh bán trú. Tuy nhiên, điều kiện vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thật sự đầy đủ, đồng bộ như mong muốn.
Cụ thể, khu ăn ở dành cho học sinh hiện vẫn còn khá khiêm tốn, chật chội, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt đông đảo của các em. Các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ bếp núc và hoạt động bán trú như xoong nồi, khay ăn, bàn ghế, chăn màn… vẫn còn thiếu thốn.
Mặc dù nhà trường có phòng bếp nhưng không gian chật hẹp, trang thiết bị nấu nướng lạc hậu và thiếu thốn. Nhà ăn dành cho học sinh cũng chỉ là công trình tạm, được dựng lên bằng việc bắn tôn để che chắn, tận dụng làm nơi ăn uống cho các em nên chưa đạt chuẩn về vệ sinh, an toàn hay quy mô.
Do đó, thầy Hải mong muốn sẽ quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư xây dựng các hạng mục phụ trợ như khu nội trú, nhà ăn, bếp nấu,… và đặc biệt là cấp phát bổ sung hằng năm các trang thiết bị cần thiết cho công tác nuôi dưỡng học sinh bán trú.
Theo thầy, chỉ khi có sự đồng bộ giữa chính sách hỗ trợ và điều kiện thực tế tại cơ sở, thì việc chăm lo cho bữa ăn của học sinh vùng cao mới thực sự hiệu quả và bền vững. Điều đó không chỉ giúp các em có đủ dinh dưỡng để học tập mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến công bằng giáo dục, đặc biệt tại những nơi còn nhiều gian khó như vùng biên giới.