Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài: Cần làm bài bản và dài hơi
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ví von: 'Nếu các doanh nghiệp số Việt Nam không ra nước ngoài lúc này thì lại phải đợi 50, 100 năm nữa'. Từ đó ta cần một chiến lược dài hơi, bài bản để đưa doanh nghiệp số tiến ra nước ngoài.
“Không lúc này thì lúc nào”
Tại Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chinh phục thị trường nước ngoài là giúp Việt Nam “hóa rồng, hóa hổ”, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Sứ mệnh này là của tất cả doanh nghiệp Việt nói chung, doanh nghiệp công nghệ số nói riêng.
Không những thế Bộ trưởng còn cho biết “ra nước ngoài” là mang công nghệ, tri thức Việt đi hội nhập, mở cõi, đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại. Đó còn là cơ hội để Việt Nam học hỏi, mở rộng hệ tri thức. Nếu không có cạnh tranh, không doanh thu, không ra nước ngoài thì Việt nam sẽ rất khó để trở thành nước có thu nhập cao.
Bên cạnh đó Bộ trưởng đánh giá thị trường công nghệ số ở Việt Nam còn khá chật chội. Số lượng doanh nghiệp lớn nhưng chi cho chuyển đổi số, công nghệ thông tin lại không nhiều. Chính vì thế ta phải ra nước ngoài để cạnh tranh, phát huy hết tiềm năng của từng doanh nghiệp. Tiềm năng là vậy nhưng vì thế mà sản phẩm, dịch vụ công nghệ của ta lại có giá thành rẻ.
Bước ra khỏi biên giới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên để quá trình “xuất ngoại” này thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Đầu tiên bản thân doanh nghiệp phải có sự chuyển mình, thích ứng với thời cuộc để tìm ra ngách đi phù hợp. Song song với đó Nhà nước cũng cần phát huy năng lực của lý của mình để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình “mang chuông đi đánh xứ người”,
Nhà nước mở đường cho doanh nghiệp
Thời gian qua Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách và thể hiện sự quan tâm lớn tới các doanh nghiệp số Việt Nam. Bộ TT&TT quan điểm "Nhà nước mở đường, người đi trước kéo người đi sau". Trong thời gian sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, diễn đàn để thúc đẩy đầu tư thương mại số và gian hàng công nghệ số của Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tham mưu chính phủ ký kết các Hiệp định về đối tác số với các nước. Để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam, mỗi tháng Bộ TT&TT sẽ tổ chức ít nhất một sự kiện để giúp các doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh ở nước ngoài hoặc mở rộng sang thị trường quốc tế.
Bộ TT&TT cũng đã công bố thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài”, nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.
Về phía doanh nghiệp ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel khuyến nghị dựa trên cơ sở Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ta cần có nhiều nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy việc ra nước ngoài của doanh nghiệp. Hoàn thiện cơ sở pháp lý tại Việt Nam để có quy định cho các hoạt động của doanh nghiệp Việt tại nước ngoài như mua bán, sáp nhập, thoái vốn…
Trong khi đó các doanh nghiệp Việt cần gắn kết chặt với chính quyền địa phương, tôn trọng pháp luật, gắn kinh doanh với lợi ích xã hội. Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty Misa đề xuất các doanh nghiệp nên đi cùng nhau, để cùng hỗ trợ phát triển tạo nên sức mạnh Việt khi chinh phục thị trường nước ngoài.
Cùng với đó các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số khi ra đầu tư nước ngoài cần làm bài bản và dài hơn. Cởi trói những khó khăn về mặt pháp lý, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường mạng lưới doanh nghiệp số Việt nam.