Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong tỉnh về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các nghị quyết của trung ương, địa phương nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện huy động tối đa nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án. Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số để giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và các dịch vụ công thuận lợi, nhanh chóng.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai hiệu quả các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch đã ban hành; chủ động thực hiện các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp mới (bán dẫn, chíp...), qua đó dẫn dắt, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt trên 95% kế hoạch được giao, đặc biệt ưu tiên các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược và các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia. Tiếp tục thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống, tăng trưởng mới theo chủ trương của Chính phủ, các dự án thuộc một số ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt để mở rộng thị trường và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; phát triển hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; phát triển dịch vụ logistics; tăng cường hội nhập quốc tế về dịch vụ, qua đó thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các hiệp hội, hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp; phát huy tính đại diện cho doanh nghiệp, hội viên trong việc tham gia góp ý, xây dựng, phản biện chính sách; theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập quá trình xây dựng, thực thi pháp luật và các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên trong các tranh chấp.

Theo Sở Tài chính, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 3.700 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng 76.000 tỉ đồng. Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động 02/CTr-UBND ngày 20/1/2025 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

PV

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202505/ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vuaphat-trien-3204ef6/