Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường phòng vệ thương mại
Trước thực tế các vụ kiện về chống bán phá giá có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, doanh nghiệp trong nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng cần chủ động nắm bắt các biện pháp phòng vệ thương mại để thích ứng hiệu quả.
Nhiều thách thức
Với việc mở rộng thị trường, thời gian qua sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, bên cạnh thuận lợi là tăng nguồn thu từ xuất khẩu cũng kéo theo số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng nhiều. Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, tính đến hết tháng 10-2024 hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 267 vụ việc điều tra PVTM từ 25 thị trường xuất khẩu.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An)
Bà Trần Đỗ Quyên, Phó Cục trưởng Cục PVTM Bộ Công thương, cho biết các khu công nghiệp tại Bình Dương đã thu hút hàng tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài và đóng vai trò động lực phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông được xây dựng đồng bộ, hiện đại cùng hệ thống logistics đang phát triển mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và DN trên địa bàn tỉnh cũng tạo ra một hệ sinh thái kinh tế năng động và hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, các ngành gỗ, thép, dệt may - những ngành đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và tạo việc làm tại Bình Dương cũng đang đối diện với không ít thách thức, trong đó có nguy cơ bị điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM từ phía nước ngoài.
Bà Trần Đỗ Quyên, Phó Cục trưởng Cục PVTM Bộ Công thương: Các nước đang có xu hướng thắt chặt, đòi hỏi khắt khe hơn trong quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Thực tế cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng đang bị các thị trường nhập khẩu “soi” rất kỹ. Trong khi đó, đối tượng bị áp dụng biện pháp PVTM ngày càng mở rộng hơn về số lượng và quy mô. Nếu như trước đây chỉ dừng lại ở những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và chỉ áp dụng đối với một số mặt hàng truyền thống thì nay hàng hóa bị khởi kiện từ nông, thủy sản cho đến sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, cho dù quy mô đơn hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu nhỏ.
Cụ thể, thép là mặt hàng được Liên minh châu Âu (EU) ưu tiên bảo hộ, thực tế EU đã áp dụng tự vệ toàn cầu hạn ngạch thuế quan 25%. Cuối tháng 7-2024, Cục PVTM Bộ Công thương cho biết EU vừa có thông báo về việc nhận được yêu cầu điều tra chống bán phá giá với thép HRC (thép tấm cuộn cán nóng) có xuất xứ từ Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành hàng đồ gỗ, xe đạp và phụ tùng Bộ Công thương cũng đã nhận được nhiều đề nghị từ EU yêu cầu làm rõ nguồn gốc xuất xứ của một số lô hàng, đồng thời cảnh báo nhóm mặt hàng này vào EU đang gây thiệt hại cho DN trong khối.
Tăng cường năng lực cảnh báo sớm
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong tình hình hiện nay việc tăng cường năng lực cảnh báo sớm, chủ động ứng phó với các vụ việc PVTM là rất cấp thiết. Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 316/QĐ-TTg là một công cụ hỗ trợ hữu hiệu giúp DN nâng cao năng lực tự bảo vệ mình trên thị trường quốc tế.
“Tại hội thảo giới thiệu và hướng dẫn khai thác thông tin, dữ liệu của hệ thống cảnh báo sớm trong PVTM đối với DN gỗ, thép và dệt may tỉnh Bình Dương diễn ra cuối tháng 4-2025 vừa qua, DN Bình Dương đã được các chuyên gia đến từ Cục PVTM Bộ Công thương chia sẻ về những biện pháp PVTM đang được nhiều quốc gia áp dụng; thực tiễn điều tra các vụ việc PVTM với sản phẩm gỗ, thép, dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở đó, các chuyên gia hướng dẫn DN khai thác thông tin, dữ liệu của hệ thống cảnh báo sớm để hạn chế rủi ro từ các vụ kiện về PVTM. Đây là những thông tin, dữ liệu cần thiết giúp các DN ngành thép, gỗ, dệt may tại Bình Dương chủ động nhận diện rủi ro, sớm có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp”, bà Phan Thị Khánh Duyên nói.
Ông Trần Đình Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bắc Trung Nam Bản Việt (TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ hội thảo giới thiệu và hướng dẫn khai thác thông tin, dữ liệu của hệ thống cảnh báo sớm trong PVTM đối với DN gỗ, thép và dệt may tỉnh Bình Dương là dịp để DN nắm bắt công cụ hỗ trợ hiện đại, từ đó chủ động ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM từ các nước, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại trong xuất khẩu. Việc cập nhật quy định, chính sách và giải đáp vướng mắc cho DN trong quá trình áp dụng, ứng phó với các biện pháp PVTM giúp DN tăng cường năng lực ứng phó với các vụ việc PVTM, đồng thời nâng cao hiểu biết và khả năng tự bảo vệ cho DN sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay.