Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Những tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam gặp nhiều khó khăn do giảm đơn hàng, thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, khó tiếp cận tín dụng. Trong bối cảnh đó, chính quyền các địa phương đang đồng hành, hỗ trợ triển khai các giải pháp giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, thu hút đầu tư; đồng thời, chăm lo ổn định đời sống, tinh thần người lao động.
Đối diện khó khăn
Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm này có hơn 95% người lao động đã quay trở lại các nhà máy làm việc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành phố bị sụt giảm đơn hàng (nhiều ngành nghề hiện đơn hàng chỉ bằng 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước), tiếp cận tín dụng khó khăn, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do xung đột giữa Nga - Ukraine…
Dự báo tình hình thế giới năm 2023 tiếp tục có nhiều bất ổn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, lạm phát tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gia tăng rủi ro tài chính sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp.
Tổng Giám đốc Công ty may mặc Dony Phạm Quang Anh chia sẻ, hiện công ty đã có đơn hàng đến tháng 6/2023. Hơn 50% số lượng hàng này là sản phẩm và khách hàng mới. Đơn hàng và khách hàng cũ giảm đến hơn 50%.
Trong bối cảnh đó, công ty gặp khó khăn chính là tỷ giá USD/VND giảm mạnh so với 2 - 3 tháng trước đây khiến các đơn hàng trong thời điểm giá USD tăng cao bị mất lợi nhuận. Tỷ giá giảm cũng làm giá bán sản phẩm cao hơn khi xuất khẩu, giảm năng lực cạnh tranh. Đồng thời, lãi suất hiện nay quá cao làm doanh nghiệp đội chi phí sản xuất lớn, kéo theo tâm lý doanh nghiệp ngại mở rộng sản xuất. Nếu đơn hàng nhiều, doanh nghiệp cũng chỉ dám đi thuê trang thiết bị dụng cụ, không dám đầu tư mua sắm mới vì lãi suất cao và thị trường chung có nhiều diễn biến phức tạp theo xu hướng xấu. Công ty dự kiến đơn hàng trong quý I và II/2023 sẽ bị giảm từ 30 - 50% so cùng kỳ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết, từ tháng 6/2022 đến nay, dưới tác động tiêu cực của tình hình thế giới đã ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất, kinh doanh, đơn hàng của các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát 284 doanh nghiệp trên địa bàn, có 227 doanh nghiệp giảm đơn hàng, doanh thu, quy mô sản xuất (chiếm 80%); 135 doanh nghiệp thiếu vốn (chiếm 47,5%); 110 doanh nghiệp có hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được (chiếm 38,7%)…
Theo cơ cấu kinh tế tỉnh Đồng Nai thì công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 60%. Do vậy, sản xuất công nghiệp bị giảm sẽ kéo theo hàng loạt lĩnh vực khác trên địa bàn bị ảnh hưởng như xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước, thương mại dịch vụ, việc làm và thu nhập của người lao động.
Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan (Trung Quốc) tại Đồng Nai Wu Ming Ying cho biết, từ cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất vì thiếu đơn hàng, tình trạng này có thể kéo dài đến tháng 5/2023 mới chấm dứt. Hiện các doanh nghiệp đang rất khó khăn duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động. Các doanh nghiệp mong Chính phủ, tỉnh Đồng Nai tiếp tục có những chính sách hỗ trợ vốn; giảm, giãn thuế; đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục để vượt qua khó khăn.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, ngay trong quý I/2023, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn cung ứng và chi phí đầu vào như phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các quận, huyện triển khai ngay chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp; ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2023 - 2027; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành như logistics, thương mại điện tử, hệ thống phân phối, sản xuất và tiêu dùng bền vững…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm 3 ngành (cơ khí - tự động hóa, chế biến lương thực - thực phẩm, cao su - nhựa); hội thảo định hướng phát triển công nghiệp… Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước, hỗ trợ thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn.
Đồng thời, tiếp tục khuyến khích chuyển đổi số trong logistics, năng lượng, thương mại điện tử… Những hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu không chỉ dừng lại ở thực địa mà sẽ khai thác trên nền tảng công nghệ thông tin, internet để thực hiện các công việc.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP hỗ trợ lãi suất với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển trong năm 2023; tổ chức đối thoại doanh nghiệp và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề, đặc biệt là UBND các quận, huyện.
Tại tỉnh Đồng Nai, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, tỉnh triển khai các giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: giải quyết nhanh các hồ sơ thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xuất nhập khẩu…
Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Nai cũng ban hành quyết định về việc chăm lo, hỗ trợ người lao động bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động do doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo đó, những lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên được hỗ trợ một lần mức 1,5 triệu đồng/người.
Trong năm 2023, tỉnh Đồng Nai sẽ nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công, cải thiện việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công theo hướng hiệu quả nhất. Đồng Nai ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình giao thông kết nối vùng, giao thông nông thôn, đô thị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển từng loại hình dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ về tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế, công nghệ thông tin, logistics...