Hỗ trợ phanh tự động khẩn cấp là gì?
Trong nhiều trường hợp, hệ thống này có thể gây dừng xe đột ngột, nguy cơ va chạm với xe phía sau.
Hỗ trợ phanh tự động khẩn cấp (Automatic Emergency Braking - AEB) là một tính năng an toàn thuộc hệ thống ADAS trên ôtô. Tính năng này được thiết kế nhằm tự động kích hoạt bộ phanh xe khi phát hiện nguy cơ va chạm phía trước trong trường hợp tài xế không kịp thời phản ứng.
Khác với hệ thống hỗ trợ giữ làn LKA, hay cảnh báo lệch làn LDW, phanh tự động khẩn cấp AEB vẫn chưa phổ biến ở các mẫu xe giá rẻ do chi phí sản xuất cao. Tuy nhiên các mẫu ôtô phổ thông vẫn được ưu tiên trang bị hệ thống cảnh báo va chạm phía trước FCW nhằm đảm bảo an toàn.
Ví dụ chiếc Hyundai Grand i10 bản 1.2 MT hay AT được tích hợp cảnh báo va chạm trước thông qua camera, nhưng không tích hợp phanh tự động. Điều này cũng xảy ra ở Toyota Vios bản E MT, E CVT, Kia Morning bản Standard và Deluxe.
AEB hoạt động thế nào?
Hệ thống camera ở kích chắn gió và radar ở cản trước sẽ chịu trách nhiệm thu thập thông tin. Khi có vật thể xuất hiện, phần mềm thông minh sẽ phân tích khoảng cách và tốc độ, đưa ra các dự đoán nguy cơ va chạm.
Nếu khoảng cách đầu xe quá gần với vật thể phía trước nhưng tài xế không đạp phanh hoặc đánh lái kịp thời, hệ thống AEB sẽ tự động kích hoạt phanh, giảm tốc độ hoặc dừng xe hoàn toàn.

AEB hỗ trợ phát hiện và phanh xe khi có nguy cơ va chạm trước. Ảnh: Đan Thanh.
AEB khi được kết hợp cùng hệ thống cảnh báo va chạm trước FCW đã giúp giảm nguy cơ tai nạn giao thông ở nhiều quốc gia. Tại Mỹ, Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc (IIHS) thống kê sự kết hợp của 2 tính năng an toàn trên giúp giảm 50% tỷ lệ tai nạn giao thông tại đất nước cờ hoa.
Gây bất ngờ cho xe sau
Dù thông minh, hệ thống an toàn này vẫn có hạn chế. Tương tự FCW, tính năng AEB phụ thuộc vào hệ thống camera và radar vì vậy nếu thời tiết xấu hoặc camera bất ngờ hỏng, nhiều khả năng hệ thống có thể gây ra phanh nhầm.
Đặc biệt ở các đoạn đường đông phương tiện, khi AEB được kích hoạt, xe có thể dừng đột ngột khi phanh, gây bất ngờ cho ôtô di chuyển phía sau. Điều này có thể dẫn đến các vụ tai nạn liên hoàn.
Đối với môi trường giao thông Việt Nam, xe máy là thứ hệ thống này "sợ" nhất. Những chiếc xe máy chạy cắt đầu ôtô dù chưa tới mức xảy ra va chạm và tài xế vẫn đang làm chủ tính huống, nhưng AEB có thể can thiệp khiến xe phanh gấp. Đây cũng là lý do khiến nhiều người muốn tắt hệ thống AEB mỗi khi lái xe tại Việt Nam.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ho-tro-phanh-tu-dong-khan-cap-la-gi-post1555390.html