Hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Bà Rịa-Vũng Tàu chứng tỏ hiệu quả
Nếu giải quyết tốt vấn đề vốn vay, kỳ vọng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình ứng dụng công nghệ cao, góp phần phát triền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Nông nghiệp công nghệ cao được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa VII nhiệm kỳ 2020-2025. Thời gian qua, dù chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, và cả những thách thức từ hội nhập, nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tập trung thực hiện theo đúng định hướng đề ra, bước đầu đạt kết quả khả quan, khẳng định và phát huy vai trò của nông nghiệp công nghệ cao trong sự phát triển bền vững.
Thay đổi thói quen
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Xuân Trường, xã Bình Ba, huyện Châu Đức được thành lập năm 2002, với 12 ha trồng thanh long. Ban đầu, HTX vận động xã viên sản xuất theo phương pháp “thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam” (VietGap) và các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Global Gap) để bao tiêu đầu ra ổn định, không thụ thuộc vào thương lái. Đến cuối năm 2021, do nhu yêu cầu ngày càng khắt khe của các nước, đặc biệt là thị trường Mỹ, HTX Xuân Trường kết hợp cùng các HTX khác trong vùng, hướng dẫn bà con sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, hình thành mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đảm bảo thu nhập cho xã viên.
Ông Trịnh Văn Tiến, xã viên HTX Xuân Trường cho biết, từ khi tham gia sản xuất theo mô hình OCOP, nông dân được học hỏi cách sử dụng phân bón, không sử dụng thuốc hóa học… Bà con rất phấn khởi khi sản phẩm được thị trường chấp nhận, đời sống của người xã viên được nâng lên.
“Bà con xã viên đang cố gắng liên kết lại để đưa sản phẩm ra thị trường. Hiện nay HTX đang đi theo hướng giảm thuốc bảo vệ thực vật, bón phân sinh học đúng cách theo hướng hữu cơ, không dùng thuốc hóa học nhiều. HTX có 4 khu vực, mỗi khu vực thu được 4 tấn trái, với giá cả hiện nay thu nhập cao hơn trồng cây tiêu”, ông Tiến cho hay.
Với chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, tỉnh Đồng Nai mạnh dạn đầu tư 80 tỷ đồng để nuôi gà công nghiệp tại xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc. Hiện nay, với 8 dãy nhà gồm 16 sàn nuôi trên diện tích 1,2 ha, tổng đàn từ 180.000 - 240.000 con gà/lứa nuôi áp dụng công nghệ chuồng lạnh khép kín, HTX đã chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào vật nuôi.
Ông Lê Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát cho biết, so với phương pháp nuôi truyền thống, hiện nay tỷ lệ con giống hao hụt thấp, năng suất tăng gấp 3 lần. Sản phẩm của HTX được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, doanh thu gần 50 tỷ đồng.
“Mô hình nuôi như hiện nay đảm bảo vệ sinh môi trường, năng suất đạt cao và đặc biệt là gà không bị bệnh. Đồng thời, mô hình nuôi cũng kiểm soát được "tiểu khí hậu trong chuồng nuôi", tức là đáp ứng được yêu cầu theo tuổi của con gà nên gà ít bệnh, cho năng suất cao”, ông Quyết lý giải.
Để mở rộng mô hình sản xuất, điều mà nhiều DN, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mong mỏi là được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, để đầu tư thay mới các thiết bị, công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Hướng đến bền vững
Đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút được 484 DN, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 342 DN, cơ sở sản xuất trồng trọt; 127 trang trại chăn nuôi và 17 DN đầu tư vào lĩnh vực thủy sản. Huyện Châu Đức là địa phương được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chọn thí điểm thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay trên địa bàn đã có nhiều mô hình hiệu quả; sản phẩm từ ứng dụng công nghệ cao chiếm 40% giá trị cơ cấu kinh tế của địa phương.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho nông dân, huyện đang khuyến khích việc sản xuất theo hướng sạch như nuôi heo trong chuồng lạnh; trồng trọt, chăn nuôi không sử dụng chất hóa học.
“Trong thời gian tới, huyện Châu Đức sẽ tập trung sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hướng mạnh về xuất khẩu để tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích. Từ đó giúp người nông dân có lợi nhuận trên 8.000 ha đất nông nghiệp của huyện trong tương lai”, ông Bản nêu.
Theo bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, trước khi du lịch phát triển, nơi đây là vùng đất thuần nông. Sau khi có Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trồng cao su, hồ tiêu, cây ăn trái… giai đoạn 2020-2025, bước đầu các sản phẩm trên của huyện đã xây dựng được uy tín thương hiệu.
“Xuyên Mộc đã quy hoạch ứng dụng công nghệ cao từ các vùng, cụm để sản xuất, bước đầu đã có những mô hình, HTX bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, ở Xuyên Mộc có nhiều mô hình ứng dụng Viet Gap, Life Gap… như nhãn xuồng cơm vàng Nhân Tâm, sản phẩm tiêu Bàu Mây, nước cốt nhàu”, bà Đài cho biết.
Giai đoạn 2021- 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; có tối thiểu 10 vùng và 5 DN nông nghiệp công nghệ cao. 100% diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp nông nghệ cao được thu hồi để triển khai các dự án sản xuất. Nếu giải quyết tốt vấn đề vốn vay, kỳ vọng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình ứng dụng công nghệ cao, góp phần phát triền sản xuất nông nghiệp bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho các HTX, DN và người nông dân./.