Hỗ trợ phụ nữ tham gia kinh tế tập thể

Thực hiện đề án Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 theo Quyết định số 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đang triển khai các kế hoạch, giải pháp tập trung phát triển, củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết của phụ nữ, góp phần tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là phụ nữ nông thôn.

Thành viên Hợp tác xã Nông sản an toàn Vĩnh Tú giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại hội chợ -Ảnh: M.L

Thành viên Hợp tác xã Nông sản an toàn Vĩnh Tú giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại hội chợ -Ảnh: M.L

Hội LHPN tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2023-2025 sẽ củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 3 HTX, 90 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành. Qua đó, hội sẽ tạo việc làm ổn định cho ít nhất 50% thành viên, lao động nữ trong HTX và ít nhất 80% lao động nữ trong tổ hợp tác. Phối hợp tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 3 HTX, 10 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, từ đó tạo việc làm cho trên 60% lao động nữ qua các mô hình kinh tế tập thể này.

Để đạt mục tiêu trên, Hội LHPN tỉnh đang tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của chủ trương phát triển kinh tế tập thể đến cán bộ, hội viên phụ nữ; phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, tư vấn quy trình, thủ tục, xây dựng hồ sơ thành lập HTX, tổ hợp tác cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể.

Đầu năm đến nay, các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ thành lập 9 HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết, gồm: Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng thôn Tà Lao, Tổ liên kết trồng lúa nếp than Tà Long, HTX Dệt thổ cẩm xã A Bung, HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, xã Mò Ó (huyện Đakrông); Tổ liên kết chăn nuôi dê sinh sản Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa); Tổ phụ nữ sản xuất rau an toàn tại xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ); HTX Tổng hợp hương thảo mộc Vĩnh Thủy, HTX Nông sản an toàn xã Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh).

Tặng dê giống, tạo sinh kế cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa - Ảnh: M.L

Tặng dê giống, tạo sinh kế cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số huyện Hướng Hóa - Ảnh: M.L

Từ quá trình vận động thành lập và đi vào hoạt động, các cấp hội tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nhiều mặt như tập huấn quản lý tài chính, nhân sự, cách thức vận hành HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết; hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm; đề xuất, kết nối với các ban, ngành liên quan hỗ trợ các mô hình được thụ hưởng chính sách ưu đãi về đầu tư cơ sở vật chất cải tiến quy trình sản xuất tăng năng suất, chất lượng sản phẩm...

Hội cũng tổ chức hội nghị kết nối cung cầu và các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các HTX, tổ liên kết, tổ hợp tác tại 20 hội chợ, phiên chợ nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn. Thành lập và duy trì vận hành 20 quầy hàng giới thiệu sản phẩm nông sản của hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Theo chị Hồ Thị Ninh, Chủ tịch Hội LHPN xã Hướng Sơn, mô hình Tổ liên kết chăn nuôi dê Hướng Sơn là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên của phụ nữ trên địa bàn. Sau khi được Tổ chức Cây Hòa bình tại Việt Nam hỗ trợ 20 con dê giống vào tháng 5/2021, Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn xã thành lập Tổ liên kết chăn nuôi dê với 20 thành viên tham gia.

Với số dê giống ban đầu 20 con bố trí cho 10 hộ phụ nữ nghèo, đến nay đàn dê đã phát triển hơn 30 con. Lứa đầu tiên, các hộ được hỗ trợ giống đều chăm dê con đến khi cứng cáp, khỏe mạnh rồi chuyển cho hộ thành viên khác làm con giống, từ lứa thứ 2 trở đi mới giữ lại nuôi. Với hình thức quay vòng này, hiện nay các thành viên trong tổ đều đã có dê để nuôi.

“Tham gia tổ liên kết, chị em phụ nữ được hỗ trợ con giống, được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, nhờ vậy kiến thức, nhận thức của các thành viên tăng lên kể.

Đặc biệt, chị em chủ động chia sẻ với nhau về kinh nghiệm sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế nói chung, chăm sóc dê nói riêng chứ không còn thụ động, ỷ lại như trước”, chị Ninh cho biết.

Hội LHPN tỉnh xác định việc hỗ trợ chị em liên kết để tham gia phát triển kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Thời gian tới, cán bộ hội phụ nữ các cấp sẽ tập trung giúp đỡ hội viên từ ý tưởng đến xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh; tạo điều kiện cho chị em tiếp cận vốn vay sản xuất, kinh doanh thông qua nguồn vốn ủy thác của ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và PTNT, các dự án...

Việc tiếp sức, hình thành các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ quản lý sẽ giúp chị em thay đổi tư duy, năng động, sáng tạo hơn trong sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/ho-tro-phu-nu-tham-gia-kinh-te-tap-the/181104.htm