Hỗ trợ sản xuất cho người dân tái định cư thủy điện A Lưới

Ngoài đầu tư thủy lợi, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp, đối với phần diện tích đất không sản xuất được tại khu tái định cư (TĐC) thủy điện A Lưới (xã Hồng Thượng, huyện A Lưới), UBND huyện A Lưới sẽ lập quy hoạch tận dụng quỹ đất này để xây dựng cụm công nghiệp và đền bù cho người dân.

 Đất đai cằn cỗi, thủy lợi không chủ động khiến người dân sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn

Đất đai cằn cỗi, thủy lợi không chủ động khiến người dân sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn

Khu TĐC thủy điện A Lưới (xã Hồng Thượng) được thành lập năm 2011, gồm 106 hộ dân với 567 nhân khẩu di dời đến vùng TĐC từ các xã Hồng Thái, Sơn Thủy, Hồng Thượng. Đây là các hộ dân nhượng lại đất do ảnh hưởng khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới.

Từ 106 hộ dân đầu tiên đến nay, khu TĐC được chia thành 2 thôn A Đên và A Sáp với 174 hộ dân, hơn 600 nhân khẩu, trong đó có 74 hộ nghèo, 61 hộ cận nghèo. Sau nhiều năm xây dựng, đa số các hộ dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn do đất cấp đổi đến vùng TĐC lẫn nhiều đá, không có nước tưới nên không sản xuất được.

Khi đến TĐC khu vực này, người dân được chủ đầu tư dự án thủy điện và chính quyền địa phương bố trí ở trong những ngôi nhà cấp 4 và được cấp hơn 20ha đất sản xuất. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân ở 2 thôn A Đên và A Sáp, sau hơn 12 năm được chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Bà Hồ Thị Trang, một hộ dân cho biết, khi chuyển về khu TĐC Hồng Thượng, ngoài ngôi nhà cấp 4, gia đình bà được cấp 3 sào ruộng và 200m2 đất vườn. Thế nhưng, do đất ruộng bị lẫn sỏi đá nhiều nên không thể canh tác. Trên mảnh vườn chỉ trồng lèo tèo vài cây rau củ, keo tràm.

“Mặt bằng chung ở khu TĐC này rất nhiều đá lớn, nhỏ lẫn trong đất, buổi đầu về canh tác cuốc, xẻng đều bị gãy hết cả, không thể gieo trồng được cây gì. Mặc dù địa phương, các đoàn thể hỗ trợ cải tạo đất nhưng cũng không sản xuất được gì nhiều, bà con phải làm đủ thứ nghề mới đủ trang trải”, bà Trang cho biết.

Theo UBND xã Hồng Thượng, việc cấp đổi đất để sản xuất lúa nước cho người dân khu TĐC Hồng Thượng đến nay mới chỉ thực hiện được 9/24ha, diện tích 15ha còn lại không sản xuất được do có nhiều sỏi đá, tầng canh tác không đảm bảo, lượng nước tưới thủy lợi không đủ.

Ông Hồ Văn Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng cho biết, nhiều năm nay, chính quyền địa phương, các đoàn thể đã nhiều lần huy động lực lượng giúp bà con cải tạo đất, loại bỏ bớt đá để canh tác. Tuy nhiên lượng đá lớn và hệ thống thủy lợi chưa chủ động được nên người dân không thể sản xuất.

Xã cũng đã đề nghị các cấp, các ngành chức năng quan tâm khảo sát, bố trí khu đất sản xuất mới có diện tích tương ứng 15ha ruộng nước; hoặc nghiên cứu, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với diện tích có nhiều đá sỏi hiện nay để phát triển kinh tế có hiệu quả. Nếu không thực hiện được cả hai phương án trên thì đề nghị Nhà nước đền bù bằng tiền mặt cho người dân để tự chuyển đổi ngành nghề và ban đầu có một ít vốn để phát triển kinh tế gia đình tùy theo điều kiện của mỗi hộ.

Trước đó vào năm 2021, thực hiện kết luận cuộc họp bàn phương án phát triển sản xuất 15ha đất nông nghiệp tại khu TĐC thủy điện A Lưới, Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã lập dự án đầu tư xây dựng trạm bơm điện để phục vụ tưới tiêu khu vực đất không sản xuất được cho người dân khu TĐC Hồng Thượng. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đang chờ tỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn và phân bổ vốn để triển khai thực hiện.

Theo đó, quy mô công trình gồm đầu tư 2,5km đường dây trung thế, 300m đường dây hạ thế và trạm biến áp 50KVA. Ngoài ra, sẽ xây dựng 1 đập dâng nước, đầu mối trạm bơm công suất 400m3/giờ tưới cho 9,4ha lúa ở thôn A Đên; đầu mối trạm bơm 2 công suất 290m3/giờ, tưới cho 7ha lúa ở thôn A Sáp. Công trình đa số sử dụng kênh mương trên hiện trạng bê tông cũ. Kinh phí đầu tư dự án dự kiến 7,5 tỷ đồng…

Nhiệm vụ công trình ngoài cấp nước tưới cho 9,4ha ruộng tại thôn A Đên (đang sản xuất) sau đó sẽ mở rộng tưới thêm cho 7ha diện tích đang bỏ hoang có khả năng cải tạo, để vận động người dân sản xuất cây lúa nước. Số diện tích còn lại bỏ hoang, không thể cải tạo để sản xuất sẽ thực hiện đền bù, hỗ trợ cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, hiện UBND huyện A Lưới đang lập quy hoạch tận dụng quỹ đất này để xây dựng cụm công nghiệp. Sau khi cụm công nghiệp này được phê duyệt, UBND huyện sẽ tiến hành thu hồi đất và đền bù để người dân có kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.

Trước đó, UBND tỉnh thống nhất phương án đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu đối với diện tích có khả năng cải tạo sản xuất được lúa nước; đối với diện tích không thể cải tạo, thực hiện đền bù bằng tiền để người dân nhận chuyển nhượng đất lúa nước ở các địa phương liền kề.

UBND tỉnh cũng giao UBND huyện A Lưới tham mưu đề xuất Công ty CP thủy điện miền Trung - chủ đầu tư thủy điện A Lưới xem xét, hỗ trợ đền bù cho người dân. UBND huyện A Lưới đã kiến nghị công ty, hỗ trợ đền bù phần diện tích không canh tác được, nhưng công ty không đồng ý vì cho rằng đơn vị đã đền bù xong.

Thủy điện A Lưới chính thức phát điện vào tháng 6/2012, với công suất lắp đặt máy 170 MW, có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 3.234 tỷ đồng. Công trình phải đền bù, hỗ trợ cho 1.318 hộ dân với tổng kinh phí hơn 203 tỷ đồng. Trong vùng lòng hồ có 106 hộ dân được TĐC để xây dựng công trình. Để giải tỏa, di dời các hộ dân nằm trong lòng hồ phục vụ cho dự án, chủ đầu tư đã xây dựng 2 khu TĐC, định canh tập trung cho các hộ dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/ho-tro-san-xuat-cho-nguoi-dan-tai-dinh-cu-thuy-dien-a-luoi-132523.html