'Hố tử thần' dưới sông Vàm Nao có thể nuốt nhà 10 tầng, rộng 4,5 ha
Tại khu vực sạt lở trên sông Vàm Nao ở An Giang xuất hiện hố sâu 42 m, dài 380 m, rộng 120 m, tương đương căn nhà cao 10 tầng xây trên khu đất rộng 4,5 ha.
Trao đổi với Zing.vn, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi cho biết lúc 9h ngày 24/4, ông đã ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sạt lở đất sông Vàm Nao. Khu vực sạt lở đã được ban bố tình trạng khẩn cấp thuộc tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới.
Theo ông Thi, sạt lở bắt đầu xuất hiện từ chiều 20/4, tại khu dân cư ven sông Vàm Nao có 107 căn nhà. Tại đây, trên tuyến lộ liên xã đi từ Kiến An qua Nhơn Mỹ xuất hiện vết nứt dài khoảng 70 m.
Một ngày sau đó, thêm nhiều vết nứt xuất hiện và càng lúc càng mở rộng, ảnh hưởng đến 40 hộ với 176 nhân khẩu. Đến sáng 22/4, 16 căn nhà ở khu vực này bị sụp xuống sông.
"90 căn còn lại và một nhà máy xay xát hiện chỉ là nhà trống, tài sản đã được di dời hết. Qua khảo sát của ngành chức năng, hiện nay chiều dài 160 m dọc theo bờ sông có hố xói áp sát khoảng 17 m, có chiều sâu 20 m, tạo thành mái dốc thẳng đứng rất nguy hiểm", ông Thi nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, đoạn sạt lở xuất hiện tại ngã ba sông Vàm Nao tiếp giáp sông Hậu, có chiều ngang 500 m. Hiện, cách bờ 180 m có hố sâu 42 m, dài 380 m, rộng 120 m, tương đương với căn nhà cao 10 tầng xây trên khu đất rộng 4,5 ha.
"Sạt lở làm mất đường giao thông liên xã, 90 căn có nguy cơ tiếp tục bị nhấn chìm, thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng. Có thể nhận định đoạn sông dài 260 m đang trong quá trình sạt lở ở mức đặc biệt nguy hiểm", Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ.
Hiện, địa phương đã bố trí lực lượng chốt trực 24/24 tại tổ 12 của ấp Mỹ Hội, để ứng phó kịp thời khi xảy ra tình huống xấu. Tuyến đường tránh thay thế tuyến liên xã này cũng đang được địa phương khẩn trương xây dựng. Tỉnh đã xuất 1,6 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ những hộ di dời và mất nhà.
Nói về phương án khắc phục sạt lở, ông Thi cho rằng muốn lấp hố xoáy dưới sông Vàm Nao phải tốn 100 tỷ đồng. Vì vậy, địa phương đang mời các chuyên gia từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đến An Giang để khảo sát, tìm hướng chỉnh dòng chảy, kết hợp với việc tạo hành lang bảo vệ bờ sông.