Hòa Bình: Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Mường truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của người Mường đứng trước nguy cơ mai một, là một người trẻ yêu bản sắc văn hóa Mường, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn - Hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình. Hội viên Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam. Hội viên Hội di sản văn hóa Việt Nam đã đứng lên thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Mường.
Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Mường được thành lập vào ngày 2/12/2022 theo Quyết định số 515/QĐ - UBND ngày 29/11/2022 của UBND thị trấn Ba Hàng Đồi – Lạc Thủy - Hòa Bình. Đây là Câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa Mường đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Lạc Thủy.
Các giá trị văn hóa dân tộc Mường là tài sản vô giá gắn kết cộng đồng dân tộc Việt Nam. Người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, dân ca, tục ngữ, lễ hội, tri thức dân gian, Mo Mường… Còn “Văn hóa Hòa Bình” có vị trí quan trọng trong thời đại đồ đá ở Việt Nam, cũng như trên thế giới; là tài sản vô cùng quý báu của nhân loại.
Năm 2023 câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa Mường có 235 hội viên độ tuổi từ 8 tuổi đến 77 tuổi các thế hệ, duy trì gần 200 buổi sinh hoạt, tập luyện và biểu diễn các chương trình, sự kiện, hội nghị, đại hội, chào mừng kỷ niệm, hội làng truyền thống, ngày đại đoàn kết, giao lưu các câu lạc bộ, sinh hoạt định kỳ hàng tuần, hàng tháng và lan tỏa mô hình tới nhiều địa phương khác trong khu vực.
Câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa Mường đã lan tỏa tới các thế hệ trong cộng đồng dân cư. Thông qua các hoạt động, mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ tới Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, các tổ chức chính trị xã hội đoàn thể đều có hội viên tham gia nhiệt tình hào hứng.
Ban chấp hành Câu lạc bộ thường xuyên trao đổi, nghiên cứu sáng tạo các hoạt động hiệu quả từ việc phân loại các nội dung hoạt động và duy trì luyện tập thường xuyên đã tạo cho các hội viên phát huy được năng khiếu sở trường bản thân.
Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Mường tạo ra sân chơi bổ ích, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy niềm đam mê, tìm tòi, nghiên cứu và truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường cho các thế hệ, góp phần bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam.
Tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các hội viên và nhân dân trong toàn thị trấn. Góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa vùng miền, bảo tồn di sản phi vật thể quốc gia, xây dựng quê hương thị trấn Ba Hàng Đồi nông thôn mới, giàu đẹp văn minh và phát triển..
Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Mường được thành lập nhằm duy trì hiệu quả luyện tập và truyền dạy văn hóa cồng chiêng, sáng tạo các bài múa hát dân tộc Mường xưa và nay. Gìn giữ, truyền dạy về văn hóa nhạc cụ cò ke ống sáo và các làn điệu hát ví Mường, truyền dạy phát âm tiếng Mường cho thế hệ trẻ. Nghiên cứu, khôi phục các trò chơi dân gian, duy trì văn hóa trang phục và phong tục tập quán lễ hội truyền thống. Sưu tầm, gìn giữ các vật dụng trong đời sống đồng bào dân tộc Mường.
Câu lạc bộ đã tổ chức giao lưu nghệ thuật như: Thắp lửa hồn Mường, trình diễn trang phục dân tộc và chương trình Giữ lửa đất Mường. Giới thiệu các làn điệu dân ca Mường, thu hút gần 400 hội viên và Câu lạc bộ trên địa bàn tham gia.
Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Mường tham gia Liên hoan nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số huyện Lạc Thủy và Liên hoan hát Chầu Văn tỉnh Vĩnh Phúc về văn hóa Chúa Mường Hòa Bình đạt giải A toàn đoàn.
Tham gia kết nghĩa, truyền dạy văn hóa cồng chiêng, lan tỏa bản sắc dân tộc các làn điệu dân ca và múa Mường với Trường THCS Thanh Hà, trường mầm non Thanh Nông, CLB cồng chiêng xã An Bình. Tham gia giao lưu tặng quà chương trình “Tết ấm yêu thương” .
Theo dòng chảy của thời gian, cùng với nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, bản sắc dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” đang dần bị mai một, hơn bao giờ hết việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường là điều cấp bách. Hiện nay, tại nhiều vùng quê đã mất đi những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”.
Trước tình hình đó, tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể của người Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” trên địa bàn.
Ngày 24/11/2023, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Mường; góp phần quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Hòa Bình, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh trong thời gian tới”.
Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình hỗ trợ các nghệ nhân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích các nhà khoa học tham gia nghiên cứu; khuyến khích con em người dân tộc Mường đang học tập trong lĩnh vực văn hóa về làm việc trong cơ quan văn hóa các cấp...
Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Mường không chỉ là nơi giao lưu, gặp gỡ, là sân chơi lành mạnh sau những ngày lao động sản xuất vất vả, mà còn là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị truyền thống của văn hóa Mường. Nhờ đó, những giá trị ấy đến được với cộng đồng, với các tầng lớp và lứa tuổi trong xã hội, góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhờ có câu lạc bộ, giới trẻ có cơ hội tìm tòi và hiểu sâu thêm về văn hóa dân tộc.
Năm 2023 Hội di sản văn hóa Việt Nam tặng bảng vàng chứng nhận cho Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Mường đã có đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc theo Quyết định số: 21/QĐ – BTC ngày 9/4/2023.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn chủ nhiệm CLB được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận cá nhân điển hình tiên tiến năm 2023 về việc sưu tầm, phục dựng và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Mường theo Quyết định số: 2073/QĐ - UBND ngày 12/9/2023. Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Mường có 30 cá nhân được biểu dương khen thưởng hội viên tích cực.
Hiện nay, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cùng sự ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc của đồng bào thì những tiếng chiêng Mường, những nếp nhà xưa đang được lưu giữ bảo tồn để hỗ trợ địa phương trong hoạt động phát triển văn hóa du lịch, nâng cao đời sống vật chất văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc.