Những ngày này, tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), dọc theo những cung đường, những vạt hoa dã quỳ vàng óng đang nở rộ khoe sắc tạo nên một dải rực rỡ giữa đại ngàn Trường Sơn. Những khóm hoa mọc ngay hai bên đường, xung quanh là đồi cà phê, đồi sắn xen kẽ với cây hoa lau đang mùa trổ bông.
Từ những khóm hoa dã quỳ mọc dại dọc các tuyến đường huyện miền núi Hướng Hóa, sau đó được nhiều cá nhân, tổ chức khởi xướng, trồng và nhân rộng dọc các tuyến đường.
Hoa dã quỳ còn có nhiều tên gọi như hoa sơn quỳ, hoa cúc quỳ, hoa quỳ dại, hoa cúc Nitobe, hoa hướng dương dại, hoa hướng dương Mexico, hoa cúc Nitobe. Loài hoa này có tên gọi trong khoa học là Tithonia Diversifolia, thuộc họ nhà Cúc (Asteraceae).
Giữa đại ngàn Trường Sơn, màu hoa dã quỳ âm thầm tích tụ dinh dưỡng đợi ngày khoe sắc.
Loài hoa này gắn với câu chuyện về mối tình cảm động của một cô gái dành cho người tình. Vì vậy hoa dã quỳ là loài hoa thể hiện cho tình yêu chung thủy và sức sống mãnh liệt.
Cây dã quỳ thường quen sống ở những nơi có điều kiện khắc nghiệt như khô cằn hoặc sỏi đá sẽ rất dễ mọc và phát triển nhanh.
Cứ đến đầu đông, các bạn trẻ lại rủ nhau tìm tới những cung đường ngập sắc hoa dã quỳ ở huyện Hướng Hóa để lưu lại những tấm hình đẹp nhất.
Vẻ đẹp không kiêu sa nhưng đầy hoang dại, bí ẩn của dã quỳ có sức lôi cuốn đến kỳ lạ. Được đặt trọn trong khung cảnh miền núi với thấp thoáng núi đồi nguyên sơ, khí hậu trong lành, thời tiết se lạnh lãng đãng sương giăng, dã quỳ trên miền biên giới Quảng Trị trở nên hấp dẫn và níu chân người qua.
Được biết, địa bàn huyện Hướng Hóa vẫn đang có nhiều dự án phát triển con đường hoa, trồng hoa dã quỳ tại các thôn, xã vùng sâu. Mục tiêu của các dự án này là biến hoa dã quỳ thành một nét tiêu biểu mới của huyện Hướng Hóa.
Hùng Trần