Hoa đăng - lời tri ân bên dòng Thạch Hãn

Cứ mỗi lần trở lại chiến trường xưa, ông Lê Bá Dương lặng lẽ mua hoa thả xuống dòng Thạch Hãn để tưởng nhớ những đồng đội cùng chung chiến hào. Từ nghĩa cử cao đẹp này, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã phát triển thành một lễ tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ý nghĩa ở địa phương - lễ hội thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn.

Cựu chiến binh Lê Bá Dương (người đeo kính) cùng đồng đội trong một lần thả hoa trên dòng Thạch Hãn - Ảnh: LÊ BÁ DƯƠNG

Cựu chiến binh Lê Bá Dương (người đeo kính) cùng đồng đội trong một lần thả hoa trên dòng Thạch Hãn - Ảnh: LÊ BÁ DƯƠNG

Từ bè hoa gửi đồng đội cùng chung chiến hào

Năm 1976, người lính Lê Bá Dương được hưởng kỳ nghỉ phép đầu tiên trong cuộc đời quân ngũ. Từ Nha Trang (Khánh Hòa), ông về quê Nghệ An vỏn vẹn 4 ngày thì tiếng lòng giục gọi nên vội khoác ba lô trở lại chiến trường xưa Quảng Trị để tìm và xác định vị trí những nơi chôn cất đồng đội. Ông lên những ngọn đồi ở gần Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, xuống Bến Tắt, về Gio An, vào cầu Đuồi, sông Mỹ Chánh... rồi kết thúc hành trình bên bờ sông Thạch Hãn để hương hoa cho đồng đội. Đến nơi nào ông cũng ngắt hoa dại kết bè, đốt thuốc lá thay nhang tưởng nhớ.

Năm ấy ở Quảng Trị bên bờ Thạch Hãn, chợ đò không có, mua hoa chẳng ra nên ông đành ngắt mấy bông mào gà có hình thù như ngọn nến thả xuống sông gửi cho đồng đội. Từ đó, cứ mỗi dịp 27/7 hằng năm, ông về Quảng Trị mua hoa ra sông Thạch Hãn thả. “Trong bài Cảm xúc tháng 7, tôi từng viết “có hai tháng 7, có hai ngày rằm”. Ngoài ngày rằm âm lịch truyền thống tri ân đất trời, tổ tiên, ông bà, còn có thêm một ngày được coi là rằm dương lịch, ấy là ngày 27/7 uống nước nhớ nguồn”, ông Dương cho biết lý do trở lại Quảng Trị vào mỗi dịp tháng 7.

Ông nhớ lần trở lại năm 1987 đúng dịp 27/7. Hôm đó, anh em, bạn bè ở thị xã Quảng Trị (nay là phường Quảng Trị) đi dự lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ông lặng lẽ đến chợ gom mua hết hoa mang ra bờ sông Thạch Hãn. Khi xong việc, mọi người đi mua hoa không còn, hỏi thì người dân nói có ông bộ đội trọ trẹ giọng Nghệ vừa ôm hoa ra sông thả và đứng khóc. Thế là họ chạy ra, đi về phía ông... Rồi có lần sau đó, khi thấy ông kết bè hoa, những đứa trẻ ở làng An Đôn rủ nhau cắt tàu chuối, hái hoa làm theo, cùng ông mang ra sông thả.

“Dâng hương, dâng hoa là phong tục của người Việt. Sau khi giỗ chạp, cúng đơm thì người ta làm cái bè bằng chuối cắm hoa thả ao hoặc sông, thả về phía vô cùng nào đó cho người thân, cho người khuất núi. Tôi cũng làm cái lễ đó để “hương hoa trôi phía vô cùng, gửi miền đồng đội cùng chung chiến hào”. Quan điểm của tôi là vậy, không chỉ dành cho đồng đội mà cho cả đồng bào, đồng chí đã từng chiến đấu hy sinh”, ông Dương nói.

Các cháu bé ở làng An Đôn kết bè hoa thả sông Thạch Hãn vào năm 1989 - Ảnh: LÊ BÁ DƯƠNG

Các cháu bé ở làng An Đôn kết bè hoa thả sông Thạch Hãn vào năm 1989 - Ảnh: LÊ BÁ DƯƠNG

Cựu chiến binh, nhà thơ, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Lê Bá Dương năm nay 72 tuổi, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị từ tháng 5/1968 đến hết năm 1973. Ông chia sẻ, càng có tuổi càng phải trở lại Quảng Trị mỗi năm nhiều lần hơn, bởi nơi ấy có “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”... Và suốt mấy chục năm nay, ông đều đặn trở lại chiến trường xưa để khói hương cho đồng đội và thực hiện nhiều chương trình tri ân ý nghĩa khác.

...đến lễ hội tri ân bên dòng Thạch Hãn

Từ nghĩa cử cao đẹp của cựu chiến binh Lê Bá Dương, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã phát triển thành một lễ tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ý nghĩa ở địa phương – lễ hội thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn.

Nguyên Trưởng phòng Văn hóa - thông tin thị xã Quảng Trị Lê Ngọc Vũ, người trực tiếp tham gia tổ chức chương trình thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn những năm đầu tiên nhớ lại: Chương trình thử nghiệm được tổ chức vào năm 2011, diễn ra lúc 18 giờ 30 phút - thời khắc giao hòa ngày đêm, giao hòa âm dương.

Giờ đó vào 14 âm lịch thì mọi nhà đều lên hương bàn thờ nên đăng đèn trên sông để linh hồn các anh hùng liệt sĩ cảm thấy được sưởi ấm. Trên sông, 8.100 hoa đăng được thả tượng trưng cho 81 ngày đêm đỏ lửa ở Thành Cổ. Chương trình thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn chính thức được tổ chức từ năm 2012.

Đến nay, chương trình này đã trở thành lễ hội của tỉnh Quảng Trị, nhận được sự ủng hộ của các địa phương, đơn vị. Đến với lễ hội, thắp nén tâm nhang, thả hoa đăng xuống dòng Thạch Hãn, chúng ta có dịp tri ân những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, để mảnh đất này được yên bình hôm nay.

Lễ hội hoa đăng trên dòng Thạch Hãn - Ảnh: DUY HÙNG

Lễ hội hoa đăng trên dòng Thạch Hãn - Ảnh: DUY HÙNG

Lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn đã được Quảng Trị tổ chức thành công, tạo sức lan tỏa lớn. Nhưng với những người đã, đang trực tiếp gắn bó, làm công tác tổ chức, họ đau đáu đưa lễ hội đến mục tiêu xã hội hóa hoàn toàn. “Tôi mong mỗi lần tổ chức lễ hội sẽ không sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách mà người dân, du khách sẽ tự mua hoa đăng thả xuống sông”, ông Vũ chia sẻ.

Đó cũng là suy nghĩ, trăn trở của anh Nguyễn Duy Hùng, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin- Thể dục, thể thao phường Quảng Trị.

“Hướng tới, chúng tôi đề xuất chuẩn bị sẵn hoa đăng và có một cái thùng để người dân, du khách tùy tâm ủng hộ. Số tiền này được sử dụng vào việc mua hoa đăng. Mọi người cũng tự tay thắp nến để thả hoa đăng mới ý nghĩa. Đây là cách xã hội hóa thiết thực, cũng là cách để mỗi người thể hiện sự thành tâm của mình", anh Hùng bày tỏ.

Tin rằng lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn sẽ sớm có được ngày thành công như chia sẻ của anh Vũ, anh Hùng, để lời tri ân thêm phần trọn vẹn.

Quang Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/hoa-dang-loi-tri-an-ben-dong-thach-han-196307.htm