Hóa giải khó khăn khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
TP Huế tiếp tục kích hoạt hệ thống hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến để tháo gỡ vướng mắc cho các xã, phường. Các tổ kỹ thuật chuyên trách được phân công 'cầm tay chỉ việc' tại chỗ hoặc kết nối từ xa, hỗ trợ kịp thời cán bộ cơ sở.
Các sở, ngành cử lực lượng trực thường xuyên hỗ trợ, đảm bảo quy trình tiếp nhận - xử lý - trả kết quả hành chính không bị gián đoạn. Trước mắt, thành phố đã thành lập các tổ công tác nhằm chỉ đạo, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc để hệ thống hành chính phục vụ hiệu quả, gần dân hơn, sát dân hơn theo chỉ đạo của Trung ương.
Thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ
Tại miền núi phía Tây TP Huế, sau hơn 10 ngày thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đến nay các xã A Lưới 1, A Lưới 2, A Lưới 3, A Lưới 4, A Lưới 5 đã từng bước ổn định tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ làm việc đảm bảo hoạt động thông suốt. Trung tâm phục vụ hành chính công (HCC) của các xã cũng được bố trí đầy đủ trang thiết bị, máy móc và nhân sự hoạt động ổn định, nhằm giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính cho người dân.

Công an xã A Lưới 4 làm thủ tục cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã A Lưới 5 cho biết: Ngay những ngày đầu đi vào hoạt động, địa phương đã hoàn thành cài đặt hệ thống hồ sơ công việc. Xã cũng đã thực hiện cấp, phân quyền tài khoản xử lý nhằm đưa hệ thống đi vào vận hành ổn định, đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên hệ thống theo quy định… Mặc dù với những khó khăn nhất định ban đầu nhưng các xã tại huyện miền núi A Lưới cũ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, không để gián đoạn, chậm trễ hoạt động của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả trong hoạt động quản lý Nhà nước tại địa phương.
Chủ tịch UBND xã A Lưới 5 cho biết, hiện xã gặp một số khó khăn như cơ sở vật chất trang thiết bị đã xuống cấp, thiếu phòng làm việc, hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản chưa đáp ứng...
Phường Phong Điền (TP Huế) được hình thành trên cơ sở sáp nhập thị trấn Phong Điền, xã Phong Mỹ, Phong Xuân (thị xã Phong Điền cũ). Đây là phường có diện tích lớn nhất TP Huế, có số lượng lớn bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống... Những ngày qua, Trung tâm phục vụ HCC phường Phong Điền rất đông người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh, khai tử, xác nhận hồ sơ, làm giấy tờ nhà đất, hộ tịch…
Ông Hồ Đôn, Chủ tịch UBND phường Phong Điền cho biết: "Gần 2 tuần nay, UBND phường duy trì và bố trí thêm 2 điểm tiếp nhận hồ sơ hành chính tại các trụ sở UBND xã Phong Mỹ, Phong Xuân (cũ), sau đó vận chuyển hồ sơ về phường mới để xử lý trong ngày.
"Từ phường trung tâm có Trung tâm HCC, để thuận tiện việc đi lại, phục vụ người dân; tại 2 điểm Phong Xuân và Phong Mỹ (cũ), xã đã cử cán bộ tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân. Đồng thời ký hợp đồng với bưu điện 1 ngày 4 vòng, luân chuyển hồ sơ để trả lại cho người dân khi thực hiện xong các hồ sơ trong ngày. Đây là vấn đề để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp trong việc phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn".
Sau gần 2 tuần hoạt động chính quyền 2 cấp, cán bộ chính quyền cấp xã, phường mới được định hướng thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ. Người dân bắt đầu cảm nhận rõ sự thay đổi trong cách phục vụ của chính quyền cấp xã, phường.
Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh, ở thôn Đông Thái, phường Phong Điền đến làm căn cước, cài đặt định danh mức độ 2 chia sẻ: Ban đầu tôi khá băn khoăn vì không biết ngày đầu tiên thực hiện việc sáp nhập, các thủ tục hành chính có được giải quyết không. Nhưng khi đến đây, tôi khá bất ngờ; tôi được các cán bộ chiến sĩ Công an phường đón tiếp và hướng dẫn nhiệt tình, niềm nở. Chỉ sau thời gian ngắn, tôi đã làm xong các thủ tục chỉ sau thời gian ngắn.
Hiện, TP Huế tiếp tục kích hoạt hệ thống hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến để tháo gỡ vướng mắc cho các xã, phường. Các tổ kỹ thuật chuyên trách được phân công "cầm tay chỉ việc" tại chỗ hoặc kết nối từ xa, hỗ trợ kịp thời cán bộ cơ sở. Các sở, ngành cử lực lượng trực thường xuyên hỗ trợ, đảm bảo quy trình tiếp nhận - xử lý - trả kết quả hành chính không bị gián đoạn.
Trước mắt, thành phố đã thành lập các tổ công tác để chỉ đạo trực tiếp. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 3 tổ công tác để đi trực tiếp các đơn vị, chỉ đạo, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc, để hệ thống hành chính phục vụ hiệu quả, gần dân hơn, sát dân hơn theo chỉ đạo của Trung ương.
Tại buổi làm việc với một số xã miền núi ở TP Huế mới đây, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cho biết, bước đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp,, lĩnh vực đất đai còn nhiều vướng mắc. Để hỗ trợ các địa phương, phía sở đã phối hợp và cử một đồng chí phó giám đốc và một tổ công tác chuyên hỗ trợ cho các xã mới, các vướng mắc được tháo gỡ trực tuyến cho từng xã.
Thời gian tới đây, riêng lĩnh vực đất đai và quản lý đất đai thì Bộ NN&MT phân cấp cho cấp xã rất nhiều, hầu như công việc của huyện, thậm chí tỉnh trước đây đều phân cấp cho xã. Do vậy, sắp đến khi bộ máy cấp xã đã đi vào vận hành một thời gian, Sở NN&MT sẽ hỗ trợ các địa phương thông qua các buổi tập huấn và tổ công tác sẽ "bắt tay chỉ việc" từng cán bộ.

Người dân phường Phong Điền, phường đông nhất TP Huế quét mã để xem hướng dẫn và thực hiện các thủ tục hành chính.
Qua trực tiếp kiểm tra công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp ở các xã miền núi từ A Lưới 1 đến A Lưới 5, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Huế Lê Trường Lưu chia sẻ, việc đi vào vận hành bộ máy trong yêu cầu, tình hình sẽ khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc bước đầu.
Tuy nhiên, tinh thần chung là địa phương cần đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn để hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho người dân. Yêu cầu các xã tiếp tục bám sát chỉ đạo, chủ động rà soát, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng cũng các trang thiết bị và đội ngũ nhân sự tại Trung tâm phục vụ HCC, bảo đảm vận hành hiệu quả, thông suốt, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu yêu cầu trong thời gian tới, các xã phải có văn bản trình cấp trên về việc bổ sung kinh phí, trang cấp cho các địa phương; sở ngành phải hướng dẫn cho cấp xã về xây dựng dự toán chi thường xuyên; nghiên cứu, cập nhật lại các văn bản mới liên quan sắp xếp địa giới hành chính…
Không để tồn đọng hồ sơ
Trong những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Công an xã Lộc An mới nỗ lực ổn định trụ sở làm việc, sắp xếp hồ sơ, tài liệu khoa học để bắt tay thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh nhất. Trung tá Lê Khánh Hà, Trưởng Công an xã Lộc An cho biết, để thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn được thông suốt, không ngắt quãng, trước đó, Ban Chỉ huy Công an xã đã quán triệt đến toàn thể CBCS của đơn vị việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Công an thành phố giao; từ tuần tra, kiểm soát, đảm bảo ANTT, trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng… đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính theo nguyện vọng của nhân dân.
Với quyết tâm không để tồn đọng hồ sơ, không để xảy ra tình trạng chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân, những ngày này, CBCS công tác tại Công an các xã miền núi ở TP Huế đang nỗ lực chạy đua với thời gian, tranh thủ tăng ca, làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật, buổi trưa và buổi tối để kịp giải quyết thủ tục cho người dân. Tại một số Công an xã miền núi như: Nam Đông, Long Quảng, A Lưới 1, A Lưới 2, A Lưới 4… những ngày đầu sáp nhập, rất đông người dân đến làm các loại giấy tờ và mọi yêu cầu của người dân đều được giải quyết rốt ráo, không tồn đọng hồ sơ.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Huế đã ký Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tổ chức vận hành thông suốt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và xây dựng xã, phường toàn diện. Một trong những phương châm cụ thể là "Không tệ nạn - Không tiếng ồn/ô nhiễm - Không phát sinh điểm nóng". Theo đó, Công an 40 xã, phường đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện và ngăn chặn từ sớm để không phát sinh tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội mới trên địa bàn.
Đồng thời, đảm bảo nắm chắc địa bàn, xử lý kịp thời, không để phát sinh phức tạp, kéo dài; không phát sinh điểm nóng, tụ tập đông người… Ngay từ những ngày đầu tiên đi vào hoạt động, Công an xã, phường đã phân công cán bộ, chiến sĩ tăng cường phối hợp tuần tra phòng, chống tội phạm trên địa bàn.
Lãnh đạo Công an TP Huế chỉ đạo Công an cấp xã, phường chú trọng và làm tốt công tác tham mưu để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng, chống tội phạm. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm ngay tại cơ sở; chủ động bố trí lực lượng, điều kiện đảm bảo để thực hiện các dịch vụ công; thực hiện nhiệm vụ liên tục, không làm gián đoạn, ngắt quãng, giúp người dân nhanh chóng ổn định với địa giới hành chính mới, củng cố lòng tin vào công cuộc sắp xếp đơn vị hành chính…