Hoa Kỳ: Thị trường tiềm năng cho trái cây Việt Nam
Là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ, Hoa Kỳ còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, đặc biệt các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, các loại trái cây lệch mùa vụ, trái cây nhiệt đới mà sản lượng trong nước hạn chế...
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết với dân số trên 330 triệu người, sức tiêu thụ lớn, Hoa Kỳ là một thị trường trọng điểm cho các loại nông sản, thực phẩm trong đó có trái cây mùa vụ.
Năm 2023, Hoa Kỳ nhập khẩu rau quả tươi và đông lạnh trị giá khoảng 20 tỷ USD trong đó chủ yếu là quả mọng berries (4,3 tỷ USD), bơ (2,98 tỷ USD), chuối (2,76 tỷ USD), nho (2,49 tỷ USD), quả có múi (1,89 tỷ USD), dâu tây (1,49 tỷ USD)…
Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn của Hoa Kỳ.
KHOẢNG CÁCH ĐỊA LÝ XA, CÔNG NGHỆ BẢO QUẢN HẠN CHẾ
Việt Nam hiện có 8 loại trái cây tươi được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ bao gồm: thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa.
Các loại trái cây phải được cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói, phải qua xử lý chiếu xạ được Bộ Nông nghiệp (APHIS – Cục Kiểm dịch động thực vật) xác nhận và kèm theo chứng thư kiểm dịch thực vật xác nhận đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật của Hoa Kỳ.
Trái cây nhập khẩu vào Hoa Kỳ chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định và đạo luật khác nhau, như: Đạo luật bảo vệ thực vật, đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm, đạo luật bảo vệ chất lượng thực phẩm, Chương trình Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
Nước này yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm phải đăng ký cơ sở sản xuất và đăng ký đại diện tại Hoa Kỳ làm đầu mối liên lạc. Cứ sau 2 năm, doanh nghiệp nước ngoài đang xuất hàng thực phẩm vào Hoa Kỳ sẽ phải tiến hành đăng ký lại cơ sở sản xuất và người đại diện được cấp mã số kinh doanh hợp lệ với mặt hàng.
Vùng trồng và chế biến trái cây phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn như: GlobalGAP, chứng chỉ môi trường, ISO, HACCP, USDA và đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký tại Hoa Kỳ, không nhiễm các loại vi sinh vật, vi khuẩn, nấm mốc; quá trình thu hoạch phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.
Bên cạnh việc phải đáp ứng các yêu cầu trên, so với các nước xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đặc biệt là các nước khu vực châu Mỹ, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp một số khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, tính mùa vụ thời gian thu hoạch ngắn, sản phẩm tươi mau hỏng. Khoảng cách địa lý lại xa làm phát sinh thời gian và chi phí phí vận chuyển.
Thứ hai, phải cạnh tranh với các thị trường Nam Mỹ, châu Á có cùng sản phẩm. Trong khi công nghệ bảo quản còn hạn chế, sản phẩm qua quá trình chiếu xạ bị thay đổi nhiệt độ nên không giữ được chất lượng ban đầu, độ tươi ngon giảm nhiều sau khi hàng cập cảng.
Thứ ba, quy mô sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, khó đáp ứng được số lượng và yêu cầu từ nhà nhập khẩu. Chưa đầu tư đúng mức về khâu đóng gói, bao bì, mẫu mã và quảng bá tại thị trường Hoa Kỳ.
NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG CỦA TRÁI CÂY MÙA VỤ
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định, đây thực sự là thị trường tiềm năng cho hoa quả, trái cây của Việt Nam, do đó, các vùng trồng, doanh nghiệp, nhà nước cần tăng cường các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trên.
Cụ thể, các địa phương và doanh nghiệp cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ bằng việc bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp có thể tiêu thụ quanh năm.
Ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây ví dụ công nghệ đưa trái cây vào trạng thái ngủ đông, bảo quản tế bào sống, sử dụng chế phẩm sinh học, màng bọc, chất bảo quản được phép để kéo dài tuổi thọ trái cây.
Xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản, đồng bộ, có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ, xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á.
Đặc biệt, mời các doanh nghiệp nhập khẩu về thăm vùng trồng, cơ sở chế biến, phát huy quan hệ kết nghĩa với các địa phương tại Hoa Kỳ để làm căn cứ lan tỏa hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt Nam.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó là ngoài vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây tươi, cần khuyến khích, đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy thế mạnh của mình tích cực tham gia xuất khẩu. Trong nhóm này, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp nhập khẩu tại Hoa Kỳ, trước mắt là các doanh nghiệp Việt Kiều giúp tiêu thụ hàng hóa tại các chuỗi chợ, trung tâm thương mại châu Á.
Đối với đơn vị logistics, cần khuyến khích, hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp vận tải (hàng không, tàu biển) để giảm cước vận chuyển trái cây mùa vụ vào các dịp cao điểm từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và các thị trường khác.
Khuyến khích các doanh nghiệp logistics phát huy thế mạnh hệ thống hạ tầng, tối ưu hóa mô hình logistics chuyên dụng dành cho nông sản phục vụ xuất khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật(Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trao đổi, đàm phán với cơ quan chức năng Hoa Kỳ cho phép áp dụng thêm các biện pháp xử lý kiểm dịch khác như xử lý hơi nước nóng để tiết giảm chi phí và tận dụng nguồn lực và trang thiết bị hiện có.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hoa-ky-thi-truong-tiem-nang-cho-trai-cay-viet-nam.htm