Hoa Kỳ tiếp nhận Đơn đề nghị điều tra chống trợ cấp với sản phẩm tôm đông lạnh nhập khẩu

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận Đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước.

Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Cục Phòng vệ thương mại mới nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp nhận Đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước; trong đó, có Việt Nam.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, sản phẩm bị điều tra là tôm nước ấm đông lạnh thuộc các mã HS 0306.17, 1605.21 và 1605.29. Các nước bị điều tra: bao gồm Ecuador, India, Indonesia và Việt Nam. Trong số đó, Việt Nam chỉ bị điều tra chống trợ cấp do sản phẩm tôm của Việt Nam đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 đến nay.

Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, nguyên đơn đề nghị DOC khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với cả tôm đông lạnh và tôm tươi từ Việt Nam. Nguyên đơn cáo buộc do tôm tươi nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn đến 95% giá trị của tôm nước ấm đông lạnh, nên các trợ cấp cho các nhà cung cấp tôm tươi của Việt Nam cũng được coi là trợ cấp dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam.

Thời kỳ điều tra trợ cấp là năm 2022 và thời kỳ điều tra thiệt hại từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2023. Nguyên đơn cáo buộc rằng sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh và tôm tươi nhập khẩu từ Việt Nam đang nhận được một loạt các chương trình trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất tôm nội địa của Hoa Kỳ.

Nguyên đơn đã cáo buộc tổng số 40 chương trình, thuộc các nhóm như cho vay và đảm bảo; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn các khoản phải thu (miễn thuế nhập khẩu, miễn thủy lợi phí…); ưu đãi miễn/giảm tiền thuê đất; xúc tiến xuất khẩu và các chương trình hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, cấp vốn cho nghiên cứu phát triển và nuôi trồng giống mới…

Trong số đó, nguyên đơn cáo buộc một danh sách chương trình thuộc Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Số liệu của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cho thấy, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 645 triệu USD sản phẩm bị cáo buộc sang Hoa Kỳ, chiếm khoảng 10% tổng thị phần xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ.

Theo quy định của Hoa Kỳ, quy trình thủ tục vụ việc điều tra chống trợ cấp diễn ra theo từng bước. Cụ thể, Chính phủ nước bị điều tra (Việt Nam) tham vấn với DOC về Đơn đề nghị điều tra. DOC có 20 ngày để xem xét Đơn đề nghị điều tra và ban hành quyết định khởi xướng/hay không khởi xướng điều tra, dự kiến ngày 14 tháng 11 năm 2023. Trong một số trường hợp đặc biệt, DOC có thể gia hạn thời gian này lên tổng số 40 ngày.

Cùng đó, ITC có 45 ngày kể từ ngày nhận Đơn đề nghị để ban hành Kết luận sơ bộ về thiệt hại. Trong trường hợp kết luận sơ bộ của ITC là không có thiệt hại, vụ việc sẽ được chấm dứt toàn bộ (tuy nhiên khả năng này thường thấp). Ngoài ra, DOC có 65 ngày kể từ ngày khởi xướng để Ban hành kết luận sơ bộ về trợ cấp; DOC có 75 ngày kể từ ngày ban hành Kết luận sơ bộ để Ban hành Kết luận cuối cùng về trợ cấp.

Đặc biệt, ITC có 45 ngày kể từ ngày DOC ban hành Kết luận cuối cùng về trợ cấp để đưa ra Kết luận cuối cùng về thiệt hại; DOC có 7 ngày để ban hành Lệnh áp thuế trợ cấp (trong trường hợp kết luận có trợ cấp và thiệt hại). (Các mốc thời gian có thể được gia hạn).

Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội hỗ trợ thông báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị cáo buộc để chuẩn bị kế hoạch ứng phó, xử lý vụ việc trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý cần rà soát các chương trình/chính sách hỗ trợ nhận được (nếu có) trong giai đoạn điều tra, chuẩn bị trước các hồ sơ, sổ sách chứng từ liên quan. Xác định trước chiến lược tham gia, xử lý vụ việc trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra. Chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, thủ tục điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ, các yêu cầu cung cấp thông tin của DOC để tuân thủ đúng trong trường hợp tham gia vụ việc.

Mặt khác, dự trù, chuẩn bị trước nguồn lực cho việc xử lý vụ việc; theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc bằng cách đăng ký tài khoản tại Cổng thông tin điện tử về phòng vệ thương mại của DOC - ACCESS (https://access.trade.gov/login.aspx) nhằm cập nhật thông tin và nộp các văn bản, tài liệu liên quan (khi cần thiết) tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hoa-ky-tiep-nhan-don-de-nghi-dieu-tra-chong-tro-cap-voi-san-pham-tom-dong-lanh-nhap-khau/314256.html