Họa màu ẩm thực
Cùng với hương vị, màu sắc đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực. Mỗi món ăn sẽ là sản phẩm nghệ thuật khi được người đầu bếp dụng tâm trau chuốt, tỉ mẩn trình bày. Bởi vậy, dù không có thiên phú về hội họa...
Một số món ăn mang sắc màu thiên nhiên được đầu bếp Như Hoa tạo hình tỉ mẩn.
(baophutho.vn) - Cùng với hương vị, màu sắc đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực. Mỗi món ăn sẽ là sản phẩm nghệ thuật khi được người đầu bếp dụng tâm trau chuốt, tỉ mẩn trình bày. Bởi vậy, dù không có thiên phú về hội họa, nhưng Nguyễn Thị Như Hoa (47 tuổi, thành phố Việt Trì) lại sở hữu đôi bàn tay tài hoa, đôi mắt biết ngắm nhìn, đắm say trước sắc màu thiên nhiên vô tận. Nhiều năm là đầu bếp món chay, chị luôn tìm tòi, sáng tạo, sử dụng sắc màu từ tự nhiên chấm phá nên những món ăn độc đáo, không chỉ đẹp mắt, ngon vị mà chứa đựng cả hồn quê, đất mẹ…
Không mở nhà hàng, không PR thương hiệu như những đầu bếp khác, nhưng Nguyễn Thị Như Hoa được biết đến là “đôi tay vàng” trong nghệ thuật chế biến và trình bày món ăn thuần chay với hàng loạt sản phẩm mang sắc màu và tạo hình độc đáo. Nhiều năm thầm lặng gắn bó với nghề, uy tín và chất lượng món ăn của chị nhận được sự tin yêu của đông đảo thực khách gần xa. Tết đến Xuân về là thời điểm đầu bếp Như Hoa bận rộn nhất với những đơn đặt hàng mâm cỗ cúng gia tiên. Vậy nên, công việc chọn lựa nguyên liệu tạo màu món ăn từ “cây nhà lá vườn” được chị Hoa chú trọng hơn cả. Trong ngày Tết, sắc đỏ tượng trưng cho sự đủ đầy, viên mãn và tốt lành. Vậy nên cứ độ cuối tháng Chạp, khi những quả gấc trên giàn thắm đượm màu đỏ tươi, chị Hoa sẽ tỉ mẩn chọn lựa từng quả làm nguyên liệu tạo màu, hương vị cho món xôi, món bánh. Thông thường, một món chay từ công đoạn sơ chế, nhuộm màu đến khi được trình bày đẹp mắt trên mâm cỗ sẽ mất 2 - 3 giờ. Bởi vậy, chị Hoa thường dậy từ sớm để chuẩn bị nhân bánh và thổi xôi. Những nắm xôi gấc bóng láng được bàn tay chị nhào nặn uyển chuyển, khéo léo cuộn mình trong múi mít vàng ươm. Hương vị đặc biệt của nếp quyện cùng hương gấc, lá dứa, mít chín tạo nên phong vị mộc mạc, ngọt thanh, đánh thức mọi giác quan của thực khách mỗi khi thưởng thức.
Sẽ đầy đủ và trọn vẹn khi mâm cỗ ngày Tết mang màu sắc sinh động, bắt mắt và có sự hài hòa màu sắc của ngũ hành: Xanh (mộc), đỏ (hỏa), đen (thủy), trắng (kim), vàng (thổ). Bởi vậy, chị Hoa luôn tìm tòi, sáng tạo những màu sắc đa dạng kết tinh từ thiên nhiên. Gói ghém sự tinh tế, tỉ mỉ và tâm huyết đối với từng món ăn, đến nay, đầu bếp Như Hoa đã nhuộm được màu xanh từ lá nếp, lá rau ngót; màu tím từ khoai lang tím, lá cẩm; màu hồng từ quả dâu tằm, củ dền; màu đỏ, cam từ quả gấc, hạt điều màu, thanh long đỏ; màu vàng từ củ nghệ; màu đen tuyền từ lá gai; màu thủy tinh từ bột lọc, rau câu; màu nâu từ hạt cà phê, ca cao,... Không chỉ sử dụng màu sắc nguyên bản, chị Hoa luôn sáng tạo cách pha màu, căn chỉnh lượng nước theo các cấp độ đậm nhạt khác nhau như trong hội họa để bảng màu ẩm thực được đa dạng, màu sắc món ăn cũng phong phú, mới lạ hơn. Chị Hoa chia sẻ: “Giống như việc vẽ một bức tranh. Màu sắc đóng vai trò quan trọng giúp món ăn trở nên thơm ngon và hấp dẫn hơn. Không chỉ làm theo công thức cơ bản, trong nhuộm màu, đầu bếp phải đặt mình vào vị trí người nghệ sĩ, luôn sáng tạo, có góc nhìn thẩm mỹ và tâm hồn mới có thể nâng món ăn lên thành nghệ thuật”.
Đầu bếp Nguyễn Thị Như Hoa (thành phố Việt Trì) luôn sử dụng nguyên liệu tạo màu từ thiên nhiên trong các món ăn.
Dùng màu tự nhiên trong ẩm thực không phải là điều mới mẻ. Từ ngàn xưa, kinh nghiệm chiết màu sắc từ thiên nhiên đã được ông cha ta lưu truyền, nổi bật trong đó là nghệ thuật nhuộm màu ngũ sắc. Những món ăn như xôi ngũ sắc, bánh ngũ sắc, chè ngũ sắc,... được trao truyền qua bao đời đã trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của nhiều vùng miền, dân tộc Việt. Ngũ sắc tượng trưng cho sự đủ đầy sung túc, sự hài hòa với đất trời, sự sum vầy gia đình, gắn kết cộng đồng và sự may mắn trong cuộc sống. Hiểu được ý nghĩa nhân sinh trong nghệ thuật chấm phá sắc màu ẩm thực, nhiều năm gắn bó với nghề, chị Hoa đã tự tay sáng tạo hơn 40 món chay mang sắc màu, hương vị và tạo hình độc đáo, phù hớp với từng dịp lễ, Tết. Mặc dù, trên thị trường thực phẩm hiện nay bày bán đủ các loại phẩm màu giúp rút ngắn công đoạn tạo màu, mang lại thẩm mỹ và độ bền màu cho món ăn, nhưng đầu bếp Như Hoa vẫn dụng tâm chiết xuất những sắc màu “tinh khiết” từ tự nhiên để món ăn được mang đúng sắc - hương- vị thuần chay, vừa đảm bảo an toàn, giàu chất dinh dưỡng lại đậm đà bản sắc quê hương.
Có nền văn hóa lâu đời thể hiện qua những di chỉ khảo cổ học, tín ngưỡng, ngôn ngữ, trang phục…, nghệ thuật ẩm thực vùng Đất Tổ cũng mang nét độc đáo, tinh tế riêng, ẩn chứa quan niệm nhân sinh, phong tục tập quán của người dân. Trên mọi nẻo đường miền đất Trung du đều có thể tìm thấy những cây cho lá, hoa, quả mang những sắc màu tươi thắm lộng lẫy. Cùng với sự tận tâm của người đầu bếp tài ba, những sắc hương thiên nhiên thân thuộc ấy vẫn ngày ngày tô điểm cho ẩm thực truyền thống, để rồi thứ mùi vị quê hương vừa mới lạ, vừa thân quen mãi vương vấn trong lòng thực khách.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202201/hoa-mau-am-thuc-181939