Hòa nhập, vươn lên từ thể thao
Chăm lo và tạo điều kiện để người khuyết tật (NKT) phát huy khả năng trong lao động, học tập, năng khiếu - nhất là ở các bộ môn thể thao, được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Điều này đã giúp nhiều NKT có cơ hội vươn đến những thành tích tốt trong lao động và trở thành tấm gương sáng của cộng đồng. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng thực hiện các chính sách trợ giúp đời sống NKT cùng gia đình.
Khơi dậy năng lực của NKT
Mới đây, 3 vận động viên NKT Phạm Tuấn Nghĩa, Hồ Quang Thái và Lê Minh Hoan đã giành huy chương đồng đồng đội bộ môn boccia tại Giải vô địch quốc gia cử tạ, boccia NKT toàn quốc năm 2023, diễn ra tại Đồng Nai.
Anh Hồ Quang Thái (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) là nạn nhân chất độc da cam/dioxin bị liệt 2 chân. Anh Thái cho hay, việc di chuyển của bản thân khó khăn và cuộc sống phải nhờ vào sự chăm sóc của mẹ. Trong sự khiếm khuyết của bản thân, anh vẫn mong muốn tìm được cho mình niềm vui trong cuộc sống và anh đã chọn chơi thể thao.
Ngày NKT Việt Nam 18-4 năm nay có chủ đề: Thể thao - Hòa nhập - Vươn lên nhằm động viên, khuyến khích NKT tích cực tham gia luyện tập để vươn lên, hòa nhập cuộc sống.
“Được chơi thể thao, sinh hoạt cùng mọi người trong không gian đông đúc thay vì suốt ngày chỉ ở nhà xem tivi, chơi điện thoại, là niềm vui trong cuộc sống của tôi. Tuy chưa đạt thứ hạng cao nhất, nhưng đây là niềm vui lớn đối với một NKT như tôi” - anh Thái nói.
Vào tháng 12-2022, trong số 43 cá nhân được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng giấy khen gương người tốt - việc tốt tỉnh Đồng Nai năm 2022, có sự góp mặt của 2 NKT là anh Huỳnh Ngọc Phụng (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) và chị Trần Thị Châu (ngụ xã Suối Nho, H.Định Quán).
Cả 2 đều có điểm chung là bị khuyết tật chân, di chuyển phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn và trợ giúp của những người xung quanh. Thế nhưng, bằng nghị lực vươn lên, cả hai đã tham gia luyện tập, thi đấu thể thao và cùng đoạt giải cao ở cấp độ Đông Nam Á.
Anh Huỳnh Ngọc Phụng cho hay, anh vẫn còn may mắn hơn nhiều NKT khác khi còn có thể vận động được bằng đôi tay, khối óc để tự chủ trong sinh hoạt. Anh tìm cho mình môn thể thao phù hợp và quyết định gắn bó với môn cử tạ. Nhờ sự quan tâm của Sở VH-TTDL, anh Phụng được tham gia thi đấu ở nhiều cấp độ. Gần đây nhất, anh đoạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc tại Đại hội Thể dục thể thao NKT Đông Nam Á lần thứ 11 tổ chức tại Indonesia.
“Thành tích tổng cử 3 lần đẩy đạt 396kg giúp tôi giành huy chương vàng. Còn mức nâng 140kg đem về cho tôi huy chương bạc tại cuộc thi. Ngoài phần thưởng tại giải, sau khi về địa phương, tỉnh còn tổ chức mừng công, trao khen thưởng vì thành tích đạt được. Điều này khiến một vận động viên khuyết tật như tôi cũng như gia đình rất vui” - anh Ngọc Phụng nói.
Còn chị Trần Thị Châu chia sẻ: “Gắn bó với môn cử tạ nhiều năm, đến nay tôi có 13 huy chương vàng, bạc tại nhiều giải đấu ở các cấp độ khác nhau. Mới đây nhất, năm 2022, tôi đoạt huy chương bạc tại Đại hội Thể dục thể thao NKT Đông Nam Á lần thứ 11 tổ chức tại Indonesia, huy chương vàng tại Đại hội Thể dục thể thao NKT toàn quốc tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên. Thành tích này, ngoài nỗ lực của bản thân, chỉ dạy của huấn luyện viên, sự động viên của gia đình, còn đến từ chế độ chính sách của Nhà nước trong việc tạo điều kiện để NKT có thêm thuận lợi theo đuổi ước mơ”.
* Chăm lo đời sống NKT
Bên cạnh số ít NKT có khả năng vận động, có quyết tâm hòa nhập để tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước trong luyện tập, thi đấu thể thao thì phần lớn NKT trên địa bàn tỉnh ở trong tình trạng khuyết tật nặng, khuyết tật rất nặng. Do vậy, việc quan tâm, tạo điều kiện để NKT cùng thân nhân có cuộc sống cơ bản luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu, toàn tỉnh hiện có 32,2 ngàn NKT đặc biệt nặng, NKT nặng và gia đình chăm sóc đang hưởng trợ cấp thường xuyên của Nhà nước. Trong số này có trên 500 NKT đặc biệt nặng không có người chăm sóc đang được các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc.
Theo Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng khó khăn hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, NKT có mức trợ cấp thấp nhất là 600 ngàn đồng/tháng và cao nhất là 1 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm ngân sách tỉnh chi trợ cấp cho NKT khoảng 150-180 tỷ đồng. Cùng với đó, việc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các học sinh, sinh viên khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo… cũng được thực hiện liên tục.
Bên cạnh ngân sách nhà nước, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực xã hội nhằm trợ giúp cho NKT, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng sống cho những hoàn cảnh kém may mắn này. Cụ thể, mỗi năm CLB Hỗ trợ NKT vươn lên thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai trao vốn hỗ trợ cho hàng chục NKT. Nguồn vốn được chia làm 2 thành phần gồm: vốn vay có thời hạn và vốn không hoàn lại cho gia đình NKT hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi trường hợp được nhận suất vay 10 triệu đồng từ nguồn quỹ của CLB do các thành viên Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đóng góp.
Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên, vừa qua Hội cùng Hội Trợ giúp NKT Việt Nam tiến hành sửa chữa, xây mới nhà vệ sinh cho 145 gia đình có thành viên là NKT. Mỗi công trình sau khi hoàn thành và bàn giao cho gia đình NKT có giá trị từ 40-50 triệu đồng. Điều này đã giúp NKT có cơ hội hòa nhập, chủ động sinh hoạt trong chính ngôi nhà của mình.
Song song đó, hàng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và cấp huyện đều tổ chức trao vốn trợ giúp NKT tự tạo việc làm theo khả năng lao động của họ, góp phần giúp NKT có thêm điều kiện để tự tạo thu nhập trong cuộc sống.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202304/hoa-nhap-vuon-len-tu-the-thao-3163677/