Họa sĩ Mai Đại Lưu: 'Tranh to của tôi bán chưa hết các ngón trên một bàn tay'
Họa sĩ Mai Đại Lưu vừa có triển lãm cá nhân lần thứ tư tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với chủ đề 'Vườn mộng ảo', trưng bày 12 bức sơn dầu, hai phác thảo và một tác phẩm tranh chữ bằng kim tuyến. Bức sơn dầu lớn nhất có kích thước 300 x 848cm.
“Tôi đã ấp ủ và thực hiện Vườn mộng ảo trong vòng hai năm. Đây là bộ tranh nói lên mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và tình yêu giữa con người với nhau. Nó hơi âm hưởng của mộng ảo. Tôi muốn đưa mọi người đến thế giới khác, khác với thế giới hiện thực, đến với thế giới của sự mộng ảo này”, Mai Đại Lưu chia sẻ.
Cảm giác của tôi đúng là lạc vào một... khu vườn, vừa thực vừa hư, vừa thân thuộc vừa đôi chút xa lạ, có chút lao xao trong cuộc trò chuyện của những gam màu rực rỡ nhất, nhưng cũng đủ tĩnh lặng để người ta thích ngồi một mình. Tại sao Mai Đại Lưu lại chọn những khổ tranh lớn để vẽ?
Tôi bắt đầu quan tâm đến việc vẽ tranh khổ lớn từ năm thứ ba đại học. Bởi năm đó chúng tôi bắt đầu đi vào nghiên cứu bài chuyên khoa sáng tác. Tôi luôn đặt câu hỏi tại sao nghệ thuật lại phải có quy định về kích thước trong các bài chuyên khoa mà không để sinh viên tự lựa chọn kích thước to hay nhỏ để thể hiện tốt nhất về mặt nội dung, bố cục, kỹ thuật... và đạt được hiệu quả tốt nhất của tác phẩm?
Bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp, lúc đầu tôi cũng thể nghiệm trên kích thước nhỏ nhưng thấy các vấn đề giải quyết không được tốt và không đạt được sự tự do như mình mong muốn nên mạnh dạn thử nghiệm trên kích thước lớn hơn.
Vườn mộng ảo với nhiều bức sơn dầu khổ lớn
Điều khiến anh thỏa mãn nhất khi vẽ tranh khổ lớn là gì?
Cảm xúc. Hiệu quả về mặt thị giác và phô diễn được mọi kỹ thuật của người họa sĩ.
Tôi từng nghe nói tranh càng lớn vẽ càng khó. Tất nhiên cái sự khó không thuần túy liên quan đến mặt sức khỏe hay tầm vóc cơ thể, Michelangelo đã phải lao động suốt 4 năm trên giàn giáo trong nguyện đường để vẽ cho xong cơ mà, cái khó theo tôi hình dung là tư duy và cảm xúc. Có đúng không?
Đúng vậy, nhưng ngoài hai vấn đề đó ra thì khi vẽ tranh khổ lớn còn gặp một vài khó khăn khác. Thứ nhất là kinh phí thực hiện tác phẩm. Như chị biết đấy, mọi thứ đều phải mua. Nghệ thuật cũng thế, để người họa sĩ biến những ý tưởng thành hiện thực thì việc đầu tiên là phải có tiền để mua những thứ cơ bản nhất như toan, sơn, sát xi...
Thứ hai là xưởng vẽ. Không gian xưởng vẽ không chỉ là nơi tạo ra tác phẩm mà còn là nơi thư giãn nghỉ ngơi, nghiên cứu về việc thực hành nghệ thuật. Khi bạn làm việc trong một không gian chật hẹp thì rất khó tạo ra những tác phẩm tốt.
Thứ ba là kỹ năng tay nghề. Người nghệ sĩ ngoài tư duy, cảm xúc sáng tạo còn cần có đôi bàn tay khéo và điêu luyện giúp giải quyết những vấn đề mà tư duy không làm được.
Vì thế, vẽ tranh khổ lớn luôn là thách thức với tất cả những người làm nghề.
Cho tôi hỏi một câu rất thông thường: Anh đến với hội họa như thế nào? Hội họa đối với anh có ý nghĩa ra sao trong cuộc đời này?
Tôi đến với hội họa khá muộn khi đã trải qua hai năm trung cấp cơ khí chế tạo, một thời gian dạy võ và lang thang Sài Gòn tìm cơ hội lập nghiệp. Hồi nhỏ tôi thích vẽ như những bạn nhỏ khác thôi.
Lớn lên mong thi được vào ngành mỹ thuật nhưng khái niệm về họa sĩ gần như tôi không có. Hội họa đến với tôi một cách tự nhiên bằng sự thôi thúc trong sâu thẳm là phải làm được một điều gì đó cho chính mình và bằng công việc mình yêu thích. Tôi nhớ năm 2005 khi tôi đang ở Sài Gòn tìm kiếm cơ hội lập nghiệp thì có một bước ngoặt xảy ra làm tôi quyết định quay ra Hà Nội tìm kiếm lại chính mình. Tìm cái mà thực sự lúc đó tôi không biết là gì.
Đó chính là hội họa?
Vâng. Chính là nó.
Theo suy nghĩ thiển cận của tôi thì các anh chị vẽ tranh, cũng như chúng tôi viết sách vậy, nói gì thì nói, tốt hơn hết vẫn là bán được. Bán chạy càng tốt. Nhưng tranh của anh, tôi không đủ khả năng để đánh giá một cách thấu đáo về giá trị nghệ thuật của chúng, tôi chỉ mạo muội thầm hỏi: Liệu anh có bán được không?
Thực ra đó là câu tôi luôn tự hỏi mình. Người nghệ sĩ tạo ra tác phẩm và mong muốn có người sở hữu tác phẩm bằng cách bỏ tiền ra mua nó. Nói trung thực thì với những tác phẩm lớn tôi không bán được. Nhưng bên cạnh đó tôi cũng vẽ nhiều tranh bé lắm chứ. Điều đó giúp tôi duy trì công việc cho đến bây giờ.
Họa sĩ Mai Đại Lưu tại triển lãm cá nhân Vườn mộng ảo.
Hóa ra là vậy. Tôi cứ đoán già đoán non là anh sẽ làm một việc gì đó giống như kiểu đầu tư bất động sản hay buôn ô tô chẳng hạn (cười) để nuôi cái niềm say mê rất tốn kém này! Nhân tiện, anh quan niệm thế nào về ý kiến đã là nghệ sĩ chuyên nghiệp thì phải sống được bằng nghề?
Không chỉ các loại hình nghệ thuật mà ở tất cả nghề khác nếu làm nghề và được sống với nghề thì đó là hạnh phúc nhất. Tôi luôn phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Khi cảm thấy mất cân bằng là phải lập tức dừng lại và điều chỉnh chính mình. Làm nghệ thuật, nếu không sống được thì làm sao tạo ra được tác phẩm, ví dụ như chúng ta đang thấy trong triển lãm này.
Còn một điều nữa, anh có quan tâm tới thị trường (tạm gọi như vậy) tranh trên thế giới, khu vực, Việt Nam? Theo đánh giá của anh thì hiện giờ thị trường tranh/ đời sống hội họa ở ta thế nào?
Cá nhân tôi thấy rằng thị trường nghệ thuật trên thế giới có nhiều biến động. Rất nhiều các gallery ở trung tâm nghệ thuật đóng cửa. Còn ở Việt Nam thì gần đây lại khởi sắc hơn nhiều, các họa sĩ trẻ sống được bằng nghề. Thị trường chơi tranh đa dạng và phong phú hơn rất nhiều so với các thế hệ trước và ngày càng xuất hiện nhiều nhà sưu tập trẻ có tài chính, kiến thức, hiểu biết nghệ thuật một cách sâu sắc.
Anh sẽ theo đuổi những bức tranh khổ lớn đến bao giờ?
Tôi không biết việc vẽ những bức khổ lớn của tôi sẽ kéo dài đến khi nào. Bởi nghệ thuật rất khó đoán trước được điều gì. Thời điểm này tôi đang hội tụ đủ 4 điều: tôi độc thân - có xưởng khá rộng - sức sáng tạo - sức khỏe. Nên tôi muốn làm những điều mình muốn. Song song với đó, tôi vẫn vẽ nhỏ. Tôi nói rồi, tôi sống bằng việc bán tranh nhỏ mà. Tranh to của tôi bán chưa hết các ngón trên một bàn tay nhé.
Khi chúng ta đã yêu rồi thì sẽ có cách giải quyết.
Chúc anh luôn hạnh phúc với hội họa!
Mai Đại Lưu sinh năm 1983 tại Nam Định, hiện sống và làm việc ở Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam và tiếp đó nhận bằng thạc sĩ mỹ thuật chuyên ngành hội họa.
Mai Đại Lưu đã thực hiện 3 triển lãm cá nhân năm 2024, 2022, 2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một triển lãm cá nhân tại V-Art năm 2017, cùng các triển lãm nhóm tại Thái Lan, Malaysia, Lào, Philippines. Hiện một số tác phẩm của Mai Đại Lưu thuộc bộ sưu tập cá nhân người Úc.
Bài và ảnh: Đỗ Bích Thúy