Họa sĩ Nguyễn Thái Vinh - Người thổi hồn tranh trúc
Đối với người Việt Nam, hình ảnh mành trúc treo cửa có từ rất lâu và trở nên thân thương, quen thuộc. Còn tranh trúc là tên mà họa sĩ Nguyễn Thái Vinh đặt để tăng giá trị một loại hình nghệ thuật mà trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam mới có.
* Từ bức tranh trúc vẽ Bác Hồ
Trong căn nhà ở đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, họa sĩ Nguyễn Thái Vinh tiếp chúng tôi bằng sự thân tình. Giữa nhịp sống hối hả, trong sự ra đời của rất nhiều hình thức công nghệ hội họa, họa sĩ vẫn say mê với công việc đặc biệt của mình: sáng tác từng bức tranh trên rèm trúc chuyển động.
Phòng vẽ của anh với rất nhiều bức tranh đang vẽ dở và màu vẽ ngổn ngang, anh như bị “nhấn chìm” trong những ý tưởng đang cháy.
Sau những câu chuyện cơm áo gạo tiền, cuối cùng cái chính mà chúng tôi nói với nhau, vẫn không thể vắng bóng được đề tài về tranh trúc, niềm đam mê nghệ thuật mà anh theo đuổi đã hơn 20 năm.
Đối với người Việt Nam, tre, trúc đã đi vào trong tâm hồn từ lời ca tiếng hát, từ những ảnh hình ấu thơ. Nguyễn Thái Vinh cũng vậy, đến với tranh trúc, anh luôn khát khao mang đến cho cuộc sống hồn cốt của làng quê Việt Nam trong một loại nguyên liệu tự nhiên vừa bình dị, vừa thiêng liêng như trúc.
Nguyễn Thái Vinh cho ra đời dòng tranh trúc (hay còn gọi là tranh vẽ trên rèm trúc) cách đây 26 năm. Đối với hội họa, hẳn chúng ta không còn xa lạ khi thấy tranh vẽ trên lụa, giấy, gỗ… Nhưng chọn từng sợi trúc tròn, mảnh để vẽ lên thì chỉ có họa sĩ Nguyễn Thái Vinh. Theo nhận định của nhiều người đã mua, đặt anh vẽ riêng cho mình những bức tranh, thì hiện nay, trên thế giới cũng chưa có ai thử sức mình với lối vẽ như anh đang làm.
Nhiều người biết đến anh, ấn tượng đặc biệt với bức tranh Bác Hồ anh vẽ từ năm 2000. Nếu ghé thăm Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, công chúng sẽ ngạc nhiên vì bức tranh có mặt ở đây từ năm 2004 với sự độc đáo trong cách thể hiện.
“Tôi bắt đầu vẽ chân dung Bác Hồ trên chính rèm trúc. Lúc ấy rất khó khăn, vì tôi trăn trở làm thế nào lột tả được thần thái của lãnh tụ trên tranh, điều mà trước đó rất nhiều người đã làm được rồi. Tôi từng đọc miệt mài rất nhiều tài liệu, làm sao mà bức vẽ đầu tiên mình vẽ ấy, người xem phải trầm trồ” - họa sĩ Nguyễn Thái Vinh cho biết.
Thật tuyệt vời khi bức vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của anh đã đoạt giải vàng Ngôi sao Việt Nam tại Festival Huế năm 2004.
Nguyễn Thái Vinh đã khẳng định được tài năng qua những tác phẩm anh vẽ về Bác Hồ, Bác Hồ với Bác Tôn, Bác Hồ với thiếu nhi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay vẽ các lãnh tụ trên thế giới. Từ đó, tranh trúc Nguyễn Thái Vinh vẽ chân dung của những người truyền cảm hứng, những nhân vật nổi tiếng... đã ấn tượng ngay với công chúng từ cái nhìn đầu tiên.
* “Hai mươi năm ấy, biết bao nhiêu tình”
Hỏi anh sao lại chọn một loại hình sáng tác khó vậy để làm hành trang, anh chỉ cười: “Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Một mối tình với tranh trúc đã 26 năm, hẳn có nhiều ngọt bùi, đắng đót.
Họa sĩ cho biết: “Trước đây, tôi từng làm thiết kế cho một hợp tác xã sản xuất mành trúc xuất khẩu ở quận Phú Nhuận. Một lần, anh chủ nhiệm có trao đổi với tôi một công việc rất khó nhưng thú vị, đó là khách nước ngoài muốn có tác phẩm độc đáo, ít đụng hàng, đảm bảo được tính nghệ thuật”.
Thái Vinh cho biết thời điểm đó, công việc của anh đã gắn bó với tre trúc rồi. Nhưng nếu chỉ vẽ như một bức tranh thông thường thì anh không muốn. Ngậm tăm mấy ngày liền rồi như có ánh sáng cuối đường hầm. Ý tưởng vụt sáng, điều quan trọng là tác phẩm ấy phải có linh hồn thật sự.
“Một sự chuyển động, như âm thanh của gió, như bàn tay của gió, ẩn trong sắc màu của tranh… Thế là dần dần, ý niệm về một dòng tranh vẽ trên rèm trúc chuyển động từ đó ra đời trong tôi. Từ những ống trúc nhỏ nhoi bị bỏ đi kia, lại như đang “cựa quậy” thai nghén niềm đam mê ươm mầm trong tôi” - anh Nguyễn Thái Vinh nói.
Sau đó, anh đã tìm đặt mành trúc từ những ngọn trúc đều, đẹp, rồi đem về cạo hết vỏ, cắt thành các đoạn dài 6cm, trong đường kính 4-5mm; sau đó đem những đốt trúc phơi nắng, xâu thành từng chuỗi.
Anh bắt đầu kiên trì trong hành trình pha màu, lên màu cho tranh trên từng sợi trúc. Làm sao để người xem có thể thấy được vẻ đẹp và sự độc đáo ấy ở cả hai chiều xem trước và sau của mỗi bức tranh.
Nhìn những bức tranh đặc biệt của Nguyễn Thái Vinh, khi tôi quơ nhẹ tay, một âm thanh vừa trong trẻo, vừa đều đặn nối nhau vang lên, đó là sự cựa mình, chuyển động của các sợi trúc được nối từ những đoạn trúc nhỏ. Ngần ấy đoạn trúc tạo nên biết bao sợi trúc, rồi bằng ấy sợi trúc tạo thành cả một toan trúc đã là nhiều công đoạn tỉ mỉ, giờ lại còn vẽ trên chính sự tỉ mỉ ấy, chính là tỉ mỉ nhân đôi, nhân ba, thậm chí nhân mười mới cho ra đời một tác phẩm hội họa vừa lạ, vừa cuốn hút bất kể một đôi mắt tinh anh nào.
Bắt đầu từ những bức tranh đầu tiên, cũng như nhiều người khác, trước khi đến với thành công thì thường là thất bại. Nhưng càng hỏng, anh càng như bị thôi thúc của việc phải làm lại bằng được. Biết bao nhiêu sợi trúc anh đã vẽ không thành, phải bỏ đi. Nhưng rồi sau nhiều ngày hầu như quên ăn quên ngủ, thức tới sáng để mày mò, cuối cùng anh cũng làm được. Sung sướng lẫn vỡ òa khi từng bức tranh hiện ra, sinh động, bắt mắt và được khách hàng, bạn bè, người xem tán thưởng.
Họa sĩ Nguyễn Thái Vinh nói: “Khó nhất trong hội họa, khi vẽ chân dung là phải tả ra được cái thần của đôi mắt, hay dáng người có thể đứng lên, bước ra từ mỗi bức tranh”.
Thấy tôi tò mò như muốn đếm xem những bức tranh kia có tất cả bao nhiêu sợi trúc, anh Vinh đứng chỉ cho tôi xem rõ hơn về cấu trúc của một bức rèm trúc khi chuẩn bị vẽ. Anh chỉ vào bức chân dung đang vẽ dở một người bạn ở Hà Nội: “Đây cô xem, nếu bức tranh này có kích thước là 200x200cm sẽ gồm 326 dây với hơn 10 ngàn ống trúc. Và tất nhiên, mỗi ống trúc này đều rất mịn và mát tay so với loại trúc thông dụng khác”.
Vậy mới biết, Nguyễn Thái Vinh đã chọn con đường khó để đi. Một con đường có nhiều cung bậc cảm xúc của người thợ kiêm người nghệ sĩ khéo tay, tạo dựng nền tảng từ nguyên liệu thô sơ nhất để rồi cuối cùng chau chuối từng mảng màu, từng đoạn trúc mà vẽ nên những sắc riêng cho đời.
“Tôi từng vẽ đi vẽ lại tới 3-4 lần những bức tranh đầu tiên, vì ngay cả khi mình đã tưởng tượng, đã hình dung là nó sẽ như thế, như thế… nhưng khi vào vẽ mới thấy khó và sản phẩm không như ý. Thế rồi lại bỏ đi, làm lại”- anh cho biết.
Làm lại, nghĩa là bỏ đi cả hơn chục ngàn đoạn trúc, rồi lại lặp lại các công đoạn ấy, rồi mới có thể vẽ lên. Nhưng không bỏ cuộc, sau nhiều lần thất bại, Nguyễn Thái Vinh cũng tìm được những bí quyết riêng biệt mà chỉ người nếm trải qua sự khó khăn mới thấm thía và cảm nhận được vị ngọt đắng sau đó, như khi ta ngấm dư vị của trà.
Có khách hàng cho rằng anh điên rồ, vì không tin ngoài vẽ phong cảnh, anh vẽ được cả trên rèm trúc. Nhưng anh đã thử thách và thử sức mình thành công.
Cho tới bây giờ, dù nhiều năm qua đi, nhiều bạn bè vẫn trở lại tìm đến anh đặt vẽ những bức tranh trúc làm kỷ niệm hay quà tặng, vẫn một thắc mắc cũ như không chán: Làm thế nào mà anh vẽ được như vậy nhỉ? Sẽ không ngạc nhiên khi khắp cả nước, đôi lúc ta bắt gặp hình anh quen thuộc của Nguyễn Thái Vinh qua những bức tranh trong phòng họp, phòng làm việc, phòng khách hay phòng ngủ của nhiều công ty, gia đình…