Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - một con người của nghệ thuật

Tựa như một viên ngọc quý, cuốn sách 'Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương' mở ra cuộc đời của một người nghệ sĩ: sống, đi, chiêm nghiệm và vẽ, một hành trình miệt mài, không ngừng nghỉ để đạt đến đỉnh cao thiền họa.

Quang cảnh tọa đàm giới thiệu cuốn sách “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương”.

Quang cảnh tọa đàm giới thiệu cuốn sách “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương”.

Cuốn sách kể chuyện đời, chuyện nghề

Cuốn sách Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương là trọn tâm huyết mà họa sĩ Trịnh Lữ viết về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất gỗ của cha ông, cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912 – 1997) – một người con Việt Nam được đào tạo bởi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ 20.

Cuốn sách kể câu chuyện về một con người của nghệ thuật, của thời đại và quan trọng hơn nó mở ra trước mắt độc giả những phương châm nghệ thuật, nhân sinh quan của người nghệ sĩ Thiền Họa Trịnh Hữu Ngọc.

Cuốn sách “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương”.

Cuốn sách “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương”.

Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Trịnh Lữ cho biết, ông mong muốn giúp cố Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc tiếp tục lặng lẽ chia sẻ niềm an ủi của cái đẹp: “Đó cũng là mong muốn chia sẻ niềm tin của cụ Ngọc, rằng hội họa là một nghề làm đẹp cuộc sống, và mắt nhìn tay vẽ với ý thức hòa nhập với nét sống giản dị tự nhiên của muôn vật là một lối Thiền định giản dị ai cũng có thể theo được”.

Theo dòng chảy thời gian cùng thăng trầm trong cuộc sống, bối cảnh chính trị, văn hóa-xã hội, tác giả đã khắc họa được không chỉ khí chất, sự tiến bộ về tư tưởng cùng tài trí của cụ Ngọc trong giai đoạn nước nhà có nhiều thay đổi, mà còn nêu bật những đóng góp của cụ cho quê hương trong không chỉ chiến tranh mà cả giai đoạn xã hội đổi mới, bất chấp những khó khăn và thử thách trong cuộc sống và sự nghiệp riêng.

Cuốn sách dày 400 trang, gồm hơn 600 hình ảnh và tranh vẽ, được trình bày song ngữ Việt-Anh, gồm ba phần: Cuộc đời và sự nghiệp; Di sản đặc biệt và Bình luận, tưởng niệm.

Những di sản nghệ thuật

Sự nghiệp của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đặc biệt được dẫn dắt bởi tư tưởng Chân – Thiện – Mỹ xuyên suốt với tiêu biểu là cách thực hành Thiền Họa “mắt nhìn tay vẽ”, ông yêu những sự vật, những cảnh khung cảnh quen thuộc, giản đơn với quan niệm tranh không cần lạ mà chỉ cần đẹp.

Tranh sơn dầu Cầu sông Thương (Bắc Giang) 1957. 38x52cm của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, hội họa của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc là “quyến rũ ở trong sự thầm lặng” và kéo theo sự quyến rũ ấy là sự hòa quyện với thiên nhiên. Đời sống tâm hồn của ông với đời sống hiền hòa của thiên nhiên dường như là một. Ông gần như rũ bỏ những ngổn ngang của cuộc sống để tìm cho mình một góc yên lặng và tạo ra một mỹ cảm mới khi hòa mình với thiên nhiên.

“Bức tranh thiên nhiên của ông cũng chính là bức tranh tâm hồn của ông. Ông đã có một cuộc đời lặng lẽ cống hiến, hội họa Thiền cũng là một dấu ấn cực kỳ đặc biệt trong nền hội họa Việt Nam” – họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ tại tọa đàm.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ tại tọa đàm.

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc thực hành mỹ thuật trên nhiều chất liệu, với sơn mài ông đã có những đóng góp được nâng lên thành di sản.

Trịnh Hữu Ngọc muốn dùng sơn ta như một chất liệu bền vững cho lối vẽ trực họa ấn tượng của mình, thay thế toàn bộ các chất liệu sơn dầu cổ điển Tây phương. Sau nhiều thử nghiệm từ cuối những năm 1940, ông bắt đầu trực họa phong cảnh trong năm 1953, với những chất liệu sơn ta do ông tự chế.

Nền vẽ là những tấm vóc mỏng nhẹ bó bằng sơn ta và bột đá. Màu vẽ pha trực tiếp bằng các sắc tố nguyên chất với dầu pha chế từ sơn nhất của nhựa cây sơn Phú Thọ, chấp nhận mọi sắc tố khác nhau chứ không chỉ một vài sắc thâm trầm như sơn mài truyền thống.

Nhà nghiên cứu Phạm Long nhận định: “Qua việc tìm tòi sáng tạo với chất liệu sơn ta, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc như là một chứng nhân, người tham gia đầu tiên, đưa chất liệu sơn ta vào nền hội họa mới. Ông nắm rất vững về tư tưởng sáng tác, không bị câu nệ vào chất liệu, quá đặc biệt hay quá khắt khe, mạnh dạn nghĩ ra chất liệu mới, vật liệu mới để đưa vào phương tiện mới của mình”.

Được đào tạo về hội họa ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân vào không chỉ cách vẽ tranh, nghiên cứu làm ra vóc sơn ta theo kỹ thuật riêng mà cả các lĩnh vực mỹ thuật khác, ông cũng đã gặt hái được những thành công cùng sự công nhận với xưởng gỗ MÉMO Ébénisterie, minh họa Sách Hoa Xuân, báo Tri Tân...

Trong thiết kế nội thất, đồ gỗ, ông đã tích hợp được những dấu ấn của cả phương Đông và phương Tây.

Họa sĩ Trịnh Lữ kể rằng, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã từng bắt tay làm nên một dự án về đồ gỗ để ai cũng được dùng, bởi ông không muốn thiết kế nội thất chỉ để người giàu khoe của.

Họa sĩ Trịnh Lữ tại tọa đàm.

Họa sĩ Trịnh Lữ tại tọa đàm.

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc cũng đã có những quy hoạch đầu tiên về việc thiết kế đồ gia dụng như thế nào, giúp ông trở thành một trong những tiền bối tiên phong về thiết kế nội thất tại Việt Nam.

Có thể thấy, sự nghiệp của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc gắn bó chặt chẽ với mỹ thuật ứng dụng, giúp làm giàu cho đời sống thiết thực của người dân Việt bằng những ý tưởng và đóng góp từ tài năng Việt.

Những di sản tinh thần

Di sản của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc không chỉ là các tác phẩm còn lại trong hội họa, thiết kế nội thất, mà còn là di sản về tinh thần ông trao truyền lại cho các thế hệ sau trong gia đình cũng như với các học trò mà ông từng dạy.

Nghệ sĩ – Thiền họa Trịnh Hữu Ngọc bên bàn viết ở Lều vịt (hồ Tây) năm 1972.

Nghệ sĩ – Thiền họa Trịnh Hữu Ngọc bên bàn viết ở Lều vịt (hồ Tây) năm 1972.

Ông có nhiều quan niệm rộng mở về nghệ thuật trong lòng cuộc sống rằng “Thành người tự do rồi mới thành Nghệ sĩ", “Nghệ thuật là lao động điêu luyện”, để di dưỡng tinh thần, cũng như việc tu tập, là để “tôi rèn cho mình một trí tuệ có khả năng vui sống hài hòa cùng một nhịp điệu với cuộc sống vĩnh hằng…”, rằng “mắt nhìn tay vẽ” là để thực hiện “hòa bình nội tâm”; và rằng “thiết kế nội thất là để xây dựng một nếp sống”….

Nghệ sĩ, nhà nghiên cứu thị giác Trần Hậu Yên Thế cho rằng những tư tưởng này thuộc về vấn đề giáo dục khai phóng, nó còn có ý nghĩa cho đến tận ngày nay, bổ khuyết cho những vấn đề cơ bản hiện nay, tức là phát huy được những cái tiềm năng và hướng đến tự do của con người.

Cuốn sách Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương do vậy là tài sản quý, ẩn chứa những giá trị chân thật, thiện mỹ, dù hữu hình hay vô hình, dù trong lao động nghệ thuật hay bất cứ loại hình lao động nào, đã được một người nghệ sĩ đích thực để lại.

Tùng Lâm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hoa-si-trinh-huu-ngoc-mot-con-nguoi-cua-nghe-thuat-40172.html