Đây là một mẫu hóa thạch cúc sừng thẳng tìm thấy tại Madagascar, hiện vật của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội. Cúc sừng thẳng (Orthoceras) là một chi động vật thân mềm cổ xưa thuộc phụ lớp Sừng thẳng (Orthoceratida).
Xuất hiện vào kỷ Silur và đã tuyệt diệt vào cuối kỷ Trias (cách đây 444–201 triệu năm), chúng gồm những loài vật có họ hàng với mực và bạch tuộc, với nét khác biệt là có vỏ thẳng hoặc hơi cong. Ảnh phục dựng cúc sừng thẳng, chụp lại tại Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội.
Hóa thạch cúc sừng thẳng được tìm thấy khá nhiều trên thế giới. Chúng có kích thước khác nhau, chiều dài vỏ dao động từ vài cm đến hơn 4,3 mét. Ảnh: Hóa thạch cúc sừng thẳng phát hiện tại Đà Bắc, Hòa Bình, Việt Nam.
Những hoa văn đặc trưng trên một số hóa thạch cúc sừng thẳng là dấu tích của các ống vách ngăn thẳng hoặc có rìa gập lại với các vòng liên kết hình trụ hoặc hình tràng hạt. Ảnh: Hóa thạch cúc sừng thẳng phát hiện tại Morocco.
Vị trí gần như ở chính giữa vỏ cúc sừng thẳng có ống xi-phông hẹp, có. Chiếc ống này được dùng để điều chỉnh lượng nước và khí trong các khoang, giúp con vật nổi lên hoặc chìm xuống.
Trong sinh cảnh biển cổ, Orthoceras là sinh vật linh hoạt, có khả năng bơi lội tốt bằng phản lực. Kiểu bơi cùng hình dạng vỏ đặc trưng khiến chúng giống như những quả tên lừa dưới đáy biển
Thức ăn của cúc sừng thẳng là động vật chân khớp và sinh vật phù du. Chúng là loài săn mồi đáng gờm dưới lòng đại dương hàng trăm triệu năm trước.
Khi bị đe dọa, cúc sừng thẳng có thể phun mực để trốn thoát, tương tự các loài mực và bạch tuộc ngày nay.
Hóa thạch cúc sừng thẳng khi được bảo tồn trong đá vôi thường lưu giữ lại những cấu trúc hình học đẹp mắt.
Những mẫu vật này đã được thu thập để chế tác thành đồ trang sức hoặc làm đồ trang trí trong nhà.
Quốc Lê