Hòa thượng Thích Hoàn Thông (1917 – 1977)

òa thượng Thích Hoàn Thông thế danh là Nguyễn Minh Có, pháp danh Huệ Đạt, pháp hiệu Hoàn Thông, sinh năm Đinh Tỵ (1917) triều Khải Định năm đầu, tại ấp Hội An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, trong một gia đình nông dân nghèo

Hòa thượng Thích Hoàn Thông (1917 – 1977)

Hòa thượng Thích Hoàn Thông thế danh là Nguyễn Minh Có, pháp danh Huệ Đạt, pháp hiệu Hoàn Thông, sinh năm Đinh Tỵ (1917) triều Khải Định năm đầu, tại ấp Hội An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, trong một gia đình nông dân nghèo. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Phuông, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sửu, Ngài mồ côi cha lúc 13 tuổi.

Thiện duyên đưa đến cho hạt mầm Bồ đề trong tâm Ngài phát triển. Năm 1930, trong thân tộc có ông Hồ Trinh Tương, gia tư khá giả, phát tâm phụng sự Tam Bảo, xuất tiền của xây một ngôi chùa, lấy hiệu là Hội Thắng Tự. Ông xuất gia đầu Phật, húy là Tường Ninh, pháp danh Đắc Ngộ, pháp hiệu Niệm Hưng và làm trú trì chùa này để hoằng dương đạo pháp. Ngài được thân mẫu cho phép xuất gia với Sư cụ trú trì chùa Hội Thắng khi vừa mồ côi cha, được ban pháp danh Huệ Đạt. Năm 16 tuổi (1933) Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa Di.

Sau đó Hòa thượng Thích Hoàn Thông được theo học với Hòa thượng Khánh Anh tại chùa Long An, xứ Đồng Đế, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, được ban pháp hiệu là Hoàn Thông. Đó là thời kỳ Hòa thượng Khánh Anh phối hợp với các Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Pháp Hải thành lập Liên Đoàn Phật Học Xã hoạt động được hai năm thì đóng cửa vì thiếu tài chánh. Qua năm 1935 Hội Lưỡng Xuyên Phật Học lại được các Hòa thượng nói trên thành lập tại Trà Vinh.

Phật học đường Lưỡng Xuyên cũng được thành lập tiếp theo đặt tại chùa Long Phước, nơi trụ sở của hội. Ngài lại được Bổn sư cho về học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên trong ba năm. Năm 21 tuổi, Ngài thọ Cụ Túc giới tại Đại giới đàn mở ở Tân Hương, tỉnh Bến Tre.

Năm 1942, Phật học đường Lưỡng Xuyên tạm ngưng vài tháng vì thiếu tài chánh. Hòa thượng Khánh Anh lui về chùa Phước Hậu ở quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ để mở lớp Tăng học. Ngài cũng theo Hòa thượng về đây tiếp tục tu học và làm thị giả cho Hòa thượng.

Qua năm 1943, Bổn sư của Hòa thượng Thích Hoàn Thông là Hòa thượng Đắc Ngộ ở chùa Hội Thắng viên tịch, Ngài phải trở về thừa tiếp làm trú trì bản tự. Tuy là trú trì chùa Hội Thắng, Ngài vẫn thường vân du hành đạo nhiều nơi. Cách mạng tháng 8 năm 1945 rồi Nam bộ kháng chiến, Ngài lãnh chức Phó Hội trưởng Liên đoàn Phật Giáo Cứu Quốc trong mặt trận Việt Minh tỉnh Vĩnh Trà do Hòa thượng Hoàn Tâm chùa Phật Quang ở Trà Ôn làm Chánh Hội trưởng.

Cũng trong thời gian kháng chiến chống Pháp này, Hòa thượng Thích Hoàn Thông được phân công làm trú trì chùa Phước Tường xã Phong Phú và chùa Vạn Hòa ở Cầu Kè. Tại các nơi này, tín đồ kính phục đạo hạnh của Ngài, đến quy y thọ giới rất đông.

Sau khi sắp xếp cho hai chùa nói trên có các vị trú trì mới, Ngài đến trú trì chùa Long Khánh ở Trà Vinh, tham gia các hoạt động của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt. Đến năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Tại Đại hội thành lập Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Vĩnh Bình, Ngài được cung cử vào ngôi vị Chánh Đại Diện. Từ đó các hoạt động Phật sự quan trọng trong tỉnh như các đại lễ, các khóa an cư kiết hạ, sơn môn đều thỉnh Ngài tới chứng minh hoặc giảng dạy.

Hòa thượng Thích Hoàn Thông thuộc vào hàng giáo phẩm rất thông hiểu Nho học và tinh thâm Phật pháp, nên được Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất triệu thỉnh lên chùa Ấn Quang để sung vào các phái đoàn mở khóa an cư kiết hạ, Ngài được cung thỉnh vào ban tổ chức phụ trách lễ nghi. Nhân dịp này, Ngài biên soạn một cuốn sách về nghi thức tụng niệm áp dụng cho các tự viện trong và ngoài tỉnh, để thực hành các khóa lễ cầu an, cầu siêu v.v… cho thống nhất. Cuốn sách này sau lấy tên là “Nghi lễ”.

Năm 1968, Hòa thượng Thích Hoàn Thông được giữ chức Giám viện Phật học viện Khánh Hòa (tức Phước Hòa cũ). Ngài còn đỡ đầu kiến tạo một ngôi Tam Bảo tại ấp Tân Đức, xã Bến Cát, huyện Tiểu Cần, hiệu là Như Pháp Tự (Thượng tọa Lưu Đoan làm trú trì).

Suốt đời Hòa thượng Thích Hoàn Thông hy sinh phục vụ đạo pháp cho đến khi thọ bệnh ba năm phải lui về chùa Hội Thắng tĩnh dưỡng. Nhưng rồi theo luật vô thường, hữu sinh tất hữu diệt, vào lúc 14 giờ, ngày 09 tháng 03 năm Đinh Tỵ (1977), Ngài đã thị tịch tại bổn tự, trụ thế 61 tuổi đời, 40 tuổi hạ.

Trích: Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX – Tập 1 (Phật giáo giai đoạn chia đôi đất nước)

Chủ biên: TT.Thích Đồng Bổn

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hoa-thuong-thich-hoan-thong-1917.html