'Hoa và rác': Kể chuyện môi trường bằng ngôn ngữ nghệ thuật

Một sân khấu làm từ phế liệu, một chương trình không bán vé, và một thông điệp không mới nhưng cấp thiết: 'Zero nhựa thải ra biển'.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà ô nhiễm không còn là khái niệm xa vời. Nó hiện diện ngay trong bữa ăn, hòa lẫn vào nước ta uống, thậm chí len sâu vào máu thịt của mỗi người. Trước thực tại ấy, mỗi cá nhân buộc phải đưa ra lựa chọn: nhắm mắt làm ngơ hay dừng lại để thấu hiểu. "Hoa và rác" chọn cách thứ 2, lặng lẽ nhưng dứt khoát bằng nghệ thuật. Một chương trình không chỉ để xem, mà để lắng nghe và nhặt lên, từ chính những gì ta từng bỏ rơi.

Hoa và rác: Một sân khấu, một thông điệp, một hành động - Ảnh: Tiểu Vũ

Hoa và rác: Một sân khấu, một thông điệp, một hành động - Ảnh: Tiểu Vũ

Ra đời từ năm 2024, "Hoa và rác" bắt đầu từ ý tưởng độc đáo của đạo diễn Ngô Việt và được hiện thực hóa bởi nhóm Feelings Art House tại TP.HCM – những nghệ sĩ đến từ Nhạc viện TP và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM. Chương trình đã đi qua nhiều địa điểm như Huế, Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng cả nước. Mỗi đêm diễn là một bản hòa âm của âm nhạc, ánh sáng và vật liệu tái chế, nơi rác thải trở thành nhân vật chính, không còn gây ô nhiễm và tác động tiêu cực đến môi trường mà được nhặt lên, soi rọi dưới ánh sáng sân khấu để kể lại hành trình tái sinh. "Hoa và rác" không áp đặt bài học, chỉ âm thầm gieo vào lòng người xem một câu hỏi: Chúng ta đã và đang sống như thế nào giữa những gì mình bỏ lại?

Sân khấu "Hoa và rác" được làm từ phế liệu - Ảnh: Tiểu Vũ

Sân khấu "Hoa và rác" được làm từ phế liệu - Ảnh: Tiểu Vũ

Và lần trở lại TP.HCM vào ngày 9.8 tới đây, "Hoa và rác" không đơn thuần là một buổi trình diễn nữa. Nó trở thành một điểm nhấn trong bối cảnh thành phố vừa mở rộng địa giới hành chính, mở ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đối diện hàng loạt thách thức mới về môi trường, đặc biệt là rác thải sinh hoạt, ô nhiễm kênh rạch và suy giảm chất lượng sống. Từ thói quen tiêu dùng đến biến đổi khí hậu, tất cả dường như đòi hỏi một thái độ sống khác, tỉnh táo và trách nhiệm hơn.

Sự kiện sẽ diễn ra tại công viên Hồ Bán Nguyệt (phường Tân Phú, TP.HCM) một không gian công cộng mở, nơi cộng đồng có thể hòa mình vào nghệ thuật không rào chắn; dự kiến thu hút hơn 5.000 khán giả, trong đó có 1.000 khách mời là đại diện các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Chương trình không bán vé, hoàn toàn phi thương mại, sử dụng công nghệ tiết chế và thân thiện với môi trường. Sân khấu ngoài trời được thiết kế từ phế liệu, rác tái chế, kết hợp ánh sáng hiện đại và bố trí tối giản để tôn trọng thiên nhiên và giảm thiểu tiêu hao năng lượng. Nhóm Feelings Art House phối hợp cùng hơn 120 chuyên viên, cùng hàng ngàn sinh viên và tình nguyện viên để tạo nên một không gian nghệ thuật khác biệt.

Nghệ thuật lên tiếng bảo vệ môi trường - Ảnh: Tiểu Vũ

Nghệ thuật lên tiếng bảo vệ môi trường - Ảnh: Tiểu Vũ

Nghệ thuật bước vào đời sống, từ rác kể chuyện người

Chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới, đạo diễn Ngô Việt, người khởi xướng chương trình nói: "Tôi hoạt động trong lĩnh vực môi trường nhiều năm, chứng kiến thực trạng ô nhiễm đáng báo động. Môi trường là vấn đề cấp thiết, nhưng thường bị coi là khô khan. Vì vậy, tôi chọn hướng tiếp cận nghệ thuật. "Hoa và rác" là một sân khấu để nghệ thuật kể câu chuyện môi trường theo cách gần gũi, cảm xúc hơn. Chúng tôi không dựng sân khấu để trình diễn, mà để khơi dậy một cuộc đối thoại. Mỗi đạo cụ đều là rác thật, có thể từng nằm ngoài bãi rác giờ đây cùng với đứng giữa ánh sáng và âm nhạc để kể lại hành trình của chính nó. Tôi muốn khán giả nhìn thấy sự sống còn trong cái đã từng bị vứt đi. Thứ từng gây ô nhiễm môi trường, giờ có thể được hồi sinh trong một đời sống khác, hữu ích hơn cho con người".

Video đạo diễn Ngô Việt trả lời phỏng vấn của Một Thế Giới

Ngôn ngữ của nghệ thuật ở đây không chỉ là lời ca, tiếng nhạc, mà còn là ánh sáng, vũ điệu, không khí, đạo cụ, tất cả cùng kể một câu chuyện. Chương trình gồm bốn chương: Tình quê hương – Rải và nhặt – Hoa và rác – Môi trường muôn sắc, sử dụng âm nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Văn Cao cùng nhiều ca khúc quốc tế được Việt hóa. Mỗi chương là một lát cắt tâm trạng: bắt đầu từ ký ức đẹp đẽ về thiên nhiên, chuyển sang nhận diện vấn đề, rồi đối diện với sự thật, và cuối cùng mở ra một lối thoát qua hy vọng và hành động.

Phần trình diễn kết thúc bằng hành động nhặt rác tập thể. Không có lời kêu gọi nào, không áp lực đạo đức nào, chỉ đơn giản là cúi xuống, làm điều cần làm. Một sinh viên tình nguyện chia sẻ: “Lần đầu tiên em thấy mình nhặt rác không phải vì bị yêu cầu, mà vì muốn làm gì đó sau khi xem xong chương trình”.

Không khoa trương nhưng giàu sức gợi

"Hoa và rác" không đưa ra những thông điệp mới lạ, nhưng cách mà chương trình kể lại câu chuyện đã cũ thì hoàn toàn khác. Sức nặng của chương trình đến từ cách kể chuyện mạch lạc, thấm chậm và giàu cảm xúc. Feelings Art House lựa chọn ngôn ngữ trình diễn vừa đủ, đôi khi rất giản dị, nhưng nhờ đó mà chân thật và lắng sâu, để lại dư âm bền bỉ trong tâm trí người xem.

Âm nhạc, vũ đạo và chuyện kể là lời cảnh tỉnh về nguy cơ ô nhiễm rác thải - Ảnh: Tiểu Vũ

Âm nhạc, vũ đạo và chuyện kể là lời cảnh tỉnh về nguy cơ ô nhiễm rác thải - Ảnh: Tiểu Vũ

Mỗi chiếc ghế, mỗi cành hoa, mỗi khối rác đều được sắp đặt như một nốt nhạc trong bản hòa tấu thị giác. Tháp phế liệu cao 5 mét là điểm nhấn của sân khấu. Đó vừa như một biểu tượng của sự chất chồng, vừa như một nhân vật đứng lặng giữa ánh sáng, chờ khán giả đến để lắng nghe và thấu hiểu. Toàn bộ thiết kế đều đến từ những vật liệu bị bỏ đi, đúng với triết lý: không thêm rác mới để nói về rác cũ.

Đại diện Trịnh Công Sơn Foundation - ông Nguyễn Trung Trực, cho biết: "Âm nhạc của Trịnh không chỉ là những bản tình ca, mà còn là sự thức tỉnh dịu dàng. Chúng tôi mong muốn mang tinh thần ấy lan tỏa trong thông điệp môi trường. Khi bài hát kết thúc bằng một nốt lặng, thì hành động của con người mới thực sự bắt đầu. Vì vậy, kết thúc chương trình bằng việc mọi người cùng nhặt rác không phải là chi tiết thêm thắt, mà là đỉnh cao cảm xúc".

Ông Nguyễn Trung Trực - đại diện Quỹ Văn học nghệ thuật Trịnh Công Sơn và nhóm Feelings Art House chia sẻ về chương trình - Ảnh: Tiểu Vũ

Ông Nguyễn Trung Trực - đại diện Quỹ Văn học nghệ thuật Trịnh Công Sơn và nhóm Feelings Art House chia sẻ về chương trình - Ảnh: Tiểu Vũ

Công nghệ không phải cứu tinh, mà là phương tiện hỗ trợ tỉnh thức

Trong kỷ nguyên công nghệ, khi mọi hình ảnh đều có thể làm đẹp, mọi video đều có thể hiệu ứng hóa, thì lựa chọn công nghệ của "Hoa và rác" lại trở nên đặc biệt: đủ hỗ trợ cảm xúc, nhưng không che lấp sự thật. Buổi diễn được trình bày song ngữ (Việt - Anh), kết hợp hiệu ứng ánh sáng và trình chiếu trực tiếp, giúp khán giả quốc tế cũng dễ dàng cảm nhận và đồng hành.

Những hình ảnh về rác nhựa, túi nilon, chất thải rắn đã được đưa vào chương trình một cách khéo léo, nhẹ nhàng nhưng đủ sức khiến người xem suy ngẫm. Trong bối cảnh môi trường ngày càng ô nhiễm, thực phẩm bị nhiễm độc, nguồn nước không còn sạch như trước, thông điệp “Không còn nhựa thải ra biển” không chỉ là một lời nhắc, mà đã trở thành một hành động cụ thể cần thiết và không thể trì hoãn.

Hành động xanh bắt đầu từ cảm xúc thật

Khác với các chương trình nghệ thuật mang tính thương mại, "Hoa và rác" không bán vé, toàn bộ 5.000 vé xem được phát miễn phí, trong đó có 1.000 vé dành cho khách mời là đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Hơn 120 nghệ sĩ, chuyên viên, sinh viên và tình nguyện viên sẽ cùng nhau tạo nên một đêm nghệ thuật kéo dài 2 tiếng đồng hồ không chỉ là trình diễn, mà là hành động cộng đồng, là sự sẻ chia ý thức, là một lời mời gọi nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.

Thông điệp bảo vệ môi trường được lan tỏa mạnh mẽ đến với giới trẻ - Ảnh: Tiểu Vũ

Thông điệp bảo vệ môi trường được lan tỏa mạnh mẽ đến với giới trẻ - Ảnh: Tiểu Vũ

Sau những đêm diễn tại Huế, Hà Nội, Bình Dương, và lần thứ 2 trở lại TP.HCM, "Hoa và rác" đã chứng minh rằng nghệ thuật có thể đi xa nếu được bắt đầu từ một tinh thần tử tế và một ý niệm rõ ràng. Khi nghệ thuật đặt chân lên mặt đất bằng chính những rác thải từng gây ô nhiễm môi trường, chương trình đã trở thành một thông điệp kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Trong một xã hội quen với tốc độ và tiêu dùng, điều cần thiết nhất đôi khi không phải là hành động lớn lao, mà là sự cúi xuống. Một bàn tay nhặt lên. Một sự thay đổi bắt đầu từ trong lòng. Trái đất không cần thêm lời hứa. Trái đất cần hành động. Và có thể, hành động ấy bắt đầu từ một đêm ngồi nghe nhạc giữa công viên, bên một tháp rác sáng lên trong ánh đèn sân khấu.

Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hoa-va-rac-ke-chuyen-moi-truong-bang-ngon-ngu-nghe-thuat-235009.html