Hoa và trái

Đó là hoa bão táp và trái bàng vuông.

Cách đây hơn 20 năm, những đảo ở Trường Sa mà tôi đến khác bây giờ rất nhiều. Ngày đó, trên đảo cây xanh chưa nhiều, thiếu nước ngọt và gần như chưa có điện. Ở một số đảo có máy phát điện chạy dầu nhưng chỉ thắp sáng thật hạn chế trên phòng ban chỉ huy trong 1 - 2 giờ vào buổi tối khi họp hành, sinh hoạt. Dưới các phân đội chiến sĩ chỉ sử dụng đèn pin. Tất nhiên thời đó ở đảo cũng chưa có Internet, chưa có sóng điện thoại di động. Phương tiện liên lạc với gia đình ở đất liền vẫn duy trì phương cách cổ điển là viết thư tay dán tem gửi bưu điện. Thư lại lệ thuộc những chuyến tàu, khi nào có tàu ra mới nhận được. Vậy nên mới có những câu nói của những người lính đảo mà hơn 20 năm tôi vẫn không quên được, như: “Nghe tin có tàu ra, suốt đêm qua chúng em không ngủ được”…

Hoa bão táp.

Hoa bão táp.

Và có những loài hoa lần đầu tiên tôi nhìn thấy, như hoa phong ba, hoa bão táp. Nghe tên gọi đã đậm chất lính. Có lẽ vì có một loài cây được đặt tên phong ba nên loài hoa này được “ăn theo” mang tên bão táp, dù hai loài cây rất khác nhau. Cây phong ba thân gỗ, cao lớn, lá màu ánh bạc, hoa mọc thành chùm gần giống chùm hoa sữa non. Còn bão táp, nghe tên dữ dội vậy nhưng cây nhỏ như bụi cỏ, mọc thành lùm, hoa bé xíu nở trong kẽ lá. Hoa bão táp có hai màu, một loại màu trắng, một loại màu tím nhạt, nhưng đều giống nhau ở hình dạng “không giống ai”. Mỗi bông bão táp có năm cánh nhưng năm cánh hoa không xòe đều thành tán tròn như hoa mai, hoa cúc mà mọc dồn về một phía thành hình bán nguyệt. Vì cánh hoa trời tạo ra như vậy nên bầu cuống cũng hở hình máng. Trong máng mọc lên một vòi nhụy nhỏ nhưng vẫn không làm cuống hoa tròn kín hình ống được. Thành ra nhìn bông hoa bão táp gần giống một nửa của bông hoa mười cánh xẻ đôi.

Đó là một đêm trăng trên đảo Sinh Tồn, một số anh lính trẻ trên đảo đã bẻ những cành bão táp có hoa này để tặng các ca sĩ, diễn viên của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Khi lần đầu thấy hoa bão táp, tôi đã rất ngạc nhiên, vì chưa thấy loài hoa nào có hình dạng lạ như vậy. Sau đêm biểu diễn có nhiều cành bão táp rơi trên sân, tôi lượm vài cành mang lên tàu để sáng mai nhìn lại kỹ hơn rồi mang theo luôn về nhà như một kỷ niệm. Chỉ tiếc cành hoa và lá không trụ được qua thời gian.

“Không biết loài hoa ấy có tên gì khác nữa không nhưng khi tôi biết thì nó có tên bão táp. Tôi nhìn thấy lần đầu tiên trong một đêm trăng, dưới ánh sáng một ngọn đèn pin, trong tiếng rít phần phật của gió…”, tôi đã từng viết về hoa bão táp như vậy.

Trái bàng vuông.

Trái bàng vuông.

Còn trái bàng vuông tôi chưa viết gì. Trái bàng này được một trung sĩ ở đảo Sinh Tồn “tặng cô”. Trái bàng đã già khô, gần giống chiếc bánh bao lớn, màu nâu vàng. Đã có lần tôi muốn cắt ra xem bên trong nó thế nào nhưng rồi lại không nỡ. Nhà cũng không có đất để trồng. Trồng trong chậu thấy tội nghiệp vì bàng vuông là loài cây lớn, sức sống khỏe. Những cây sống được ở Trường Sa đều có sức sống đáng khâm phục, vì đây là nơi mà muốn trồng được rau người ta cũng phải xây tường bao cao đến 3m để che chắn gió và hơi nước mặn. Nhưng lý do chính là tôi muốn giữ nó như một kỷ niệm cùng với mấy vỏ ốc và hoa bão táp. Thế là vì muốn giữ lại một kỷ niệm, tôi đã không cố gắng tìm cơ hội cho trái bàng được tái sinh. Hơn 20 năm nó vẫn nguyên hình hài là một trái cây khô, không có sự sinh thành một đời cây mới với nhiều hoa trái khác. Cho tới một hôm, tôi bỗng nhận một cuộc điện thoại lạ. Là của trung sĩ ngày nào, chủ nhân của trái bàng. Anh ra quân đã lâu, đã có công việc và gia đình riêng ở một miền quê, một ngày tình cờ tìm thấy số điện thoại của tôi kẹp trong cuốn sổ…

Tôi mang trái bàng ra lau bụi, nó nhẹ bẫng. Nhưng cũng như mọi lần, tôi không dám lau mạnh tay. Tôi nhìn nó và lại hình dung về Trường Sa.

VÂN HẠ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202407/hoa-va-trai-4986fcb/