Hoại tử sụn mũi vì nặn mụn bằng tay

Nam bệnh nhân phải nhập viện vì dùng tay nặn mụn dẫn đến viêm áp xe vùng mũi, hoại tử sụn, sưng phù vùng mũi má, sưng phù mí mắt.

Anh T. phải nhập viện chữa trị do mũi bị hoại tử phần sụn sau khi nặn mụn bằng tay. Ảnh: BVCC

Anh T. phải nhập viện chữa trị do mũi bị hoại tử phần sụn sau khi nặn mụn bằng tay. Ảnh: BVCC

Cụ thể, mới đây, anh L.V.T. (40 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) thấy trên mũi có nổi 1 cục mụn kèm ngứa nên tự nặn bằng tay và mua thuốc uống. Sau 3 ngày, mặt anh T. có dấu hiệu sưng phù, mụn mủ căng nhiều và nhức.

Lo lắng, anh T. đã đến cơ sở y tế gần nhà điều trị nhưng mặt và mí mắt sưng nhiều hơn. Do đó, anh T. quyết định đến Bệnh viện Đồng Nai 2 khám, chữa bệnh.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện anh T. bị tổn thương nặng vùng mũi má. Trong đó, tháp mũi bị viêm loét, có 3 lỗ dò mủ, da tháp mũi và xung quanh bầm tím, sưng căng vùng mũi má bên phải và mí mắt.

Bác sĩ chẩn đoán, anh T. bị viêm áp xe tháp mũi lan vùng mũi má, hoại tử sụn, viêm mô tế bào vùng mặt.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đăng Lộng, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đồng Nai 2 cho biết, bác sĩ đã rạch 1 đường để dẫn lưu mủ, súc rửa ổ mủ (lượng mủ lấy ra khoảng 5ml/ngày), vệ sinh vùng da tổn thương mỗi ngày và dùng kháng sinh liều cao.

Tuy nhiên, bệnh nhân xuất hiện tình trạng kháng kháng sinh, các bác sĩ phải làm kháng sinh đồ và tìm loại thuốc phù hợp. Sau 1 tuần chữa trị, bệnh nhân T. đã có tiến triển tốt như: hết mủ, hết sưng viêm vùng mặt, vùng da tổn thương. Ngoài ra, tháp mũi đã hồng hào trở lại và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Đáng chú ý, anh T. không phải là trường hợp hi hữu. Cùng thời điểm điều trị cho anh T., bệnh viện này cũng đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị viêm áp xe mũi do nặn mụn bằng tay.

Do đó, bác sĩ Lộng khuyến cáo, tuyệt đối không tự nặn mụn nếu thấy mụn có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ và đau đặc biệt là vùng giữa mặt, vùng mũi.

Bích Nhàn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202406/hoai-tu-sun-mui-vi-nan-mun-bang-tay-d444907/