Hoàn thành 6/10 nội dung hợp tác vùng Đông Nam Bộ
Ngày 15-1, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Hội nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh với UBND các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Long An.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cùng lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị.
Hoàn thành 6/10 nội dung hợp tác
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2023 và 2024 có 10 nội dung hợp tác cấp vùng Đông Nam Bộ. Đến nay, có 6 nội dung đã hoàn thành, còn lại đã hoàn thành một phần và đang thực hiện.
Riêng hợp tác song phương giữa Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai có 11 nội dung. Đến nay, có 5 nội dung hoàn thành, 6 nội dung hoàn thành một phần và đang triển khai.
Một số nội dung trọng tâm hợp tác song phương Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai đang triển khai là: đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Đồng Nai; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc mở rộng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; phối hợp trong đầu tư xây dựng cầu qua sông Đồng Nai kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch…
Tại hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức thống nhất với các nội dung báo cáo đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua giữa các địa phương trong vùng, giữa Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, kết quả này không chỉ phản ánh nỗ lực của các địa phương, thể hiện tinh thần hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa các bên mà còn là nền tảng để tăng cường mối quan hệ hợp tác, bền vững trong tương lai.
Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai cần hỗ trợ, hợp tác trong 4 lĩnh vực cụ thể: hạ tầng giao thông, nhân lực, du lịch và hợp tác bảo vệ môi trường. Trong đó, trọng tâm nhất là phát triển hạ tầng giao thông, cụ thể là triển khai các dự án: đường Vành đai 3, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; sớm khởi công đường Vành đai 4.
Đối với Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cát Lái nối Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch, UBND tỉnh đang nghiên cứu cả 2 phương án: xây cầu và hầm chui, sẽ có có báo cáo gửi Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, thống nhất lựa chọn phương án tối ưu thực hiện…
Trọng tâm nhất là “điểm nghẽn” hạ tầng
Qua nghe ý kiến của các địa phương trong vùng và tỉnh Long An, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, Đông Nam Bộ là vùng đóng vai trò tiên phong và có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Năm 2025, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, nếu các tỉnh đều đạt mục tiêu này thì vùng có thể đóng góp 50-60% GDP cả nước.
Hội nghị đã bàn các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cần tập trung để mỗi địa phương và toàn vùng phát huy tiềm năng và lợi thế, hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra.
Cũng theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, để đi xa, lớn mạnh, mỗi địa phương cần tập trung cao đồng thời liên kết với các địa phương khác để thực hiện 16 nội dung trọng tâm trên các lĩnh vực đã được thống nhất.
Có 4 nội dung cần ưu tiên trong năm 2025 mà Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra là: khẩn trương giải quyết các vướng mắc về thủ tục, nguồn vật liệu để hoàn thiện các dự án hạ tầng mang tính chiến lược cho cả vùng như: đường cao tốc, đường vành đai, đường sắt, đường ống dẫn nhiên liệu… nhằm khắc phục “điểm nghẽn” về giao thông, tăng cường mối liên kết, mở ra không gian phát triển mới; thống nhất thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ và đề xuất các cơ chế liên kết để nâng cao hợp tác phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng; thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch ở vùng Đông Nam Bộ.
Cùng với đó, năm nay, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ phối hợp triển khai 37 sự kiện hợp tác song phương phát triển kinh tế - xã hội. Cùng có ý kiến với các bộ, ngành trung ương liên quan đến các khó khăn, vướng mắc trên lĩnh vực giao thông, quy hoạch, tài nguyên và môi trường, cơ chế chính sách đặc thù cho vùng.