Hoàn thiện đề án vị trí việc làm của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức, bộ máy

Qua giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao' giai đoạn 2021-2024, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị, Chính phủ hoàn thiện đề án vị trí việc làm của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập các cấp sau sắp xếp tổ chức, bộ máy.

Hoàn thiện vị trí việc làm của các cơ quan nhà nước sau sắp xếp tổ chức, bộ máy để thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Quang Vinh.

Hoàn thiện vị trí việc làm của các cơ quan nhà nước sau sắp xếp tổ chức, bộ máy để thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Quang Vinh.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chiếm 64,6% lực lượng lao động

Theo kết quả giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” giai đoạn 2021-2024, trong giai đoạn 2021-2024, Đảng đã rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản định hướng, chủ trương phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong thời gian gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết chiến lược. Trong đó đều xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, là yếu tố then chốt để triển khai thành công các nghị quyết. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành văn bản pháp luật, chương trình, đề án, tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.

Theo đánh giá của đoàn giám sát, trong thời điểm hiện nay nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên đoàn giám sát nhận thấy, Chính phủ, một số bộ, ngành và hầu hết các địa phương chưa có quy định đầy đủ, toàn diện về nhân lực chất lượng cao. Do đó, có khó khăn trong công tác xác định nhân tài, người có trình độ cao và việc hoạch định chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, “tổng công trình sư” trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới, nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác như luật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn.

Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự hợp lý, chưa gắn kết chặt chẽ và theo kịp nhu cầu của thực tiễn. Ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức còn khá cao, chiếm 64,6% lực lượng lao động, đa số thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài, điều kiện lao động không bảo đảm. Cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 đạt 28,3%. Cả nước còn khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Việc phân bố nguồn nhân lực chất lượng cao còn mất cân đối, tập trung ở các đô thị lớn.

Đáng chú ý, cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài chậm đổi mới. Chính sách tuyển dụng, thu nhập, tạo môi trường làm việc chưa thực sự hấp dẫn. Cơ cấu, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa hợp lý. Đang thiếu hụt chuyên gia đầu ngành, tổng công trình sư trong các lĩnh vực quan trọng, nhất là công nghệ mới, công nghệ cao, có đủ năng lực dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế phát triển bứt phá.

Sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thu nhập cao

Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đoàn giám sát xác định, về chủ quan công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển và sử dụng nguồn nhân lực của một số cấp ủy, chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả. Môi trường làm việc, cơ chế quản lý, đánh giá, chế độ đãi ngộ ở khu vực công chưa thu hút, trọng dụng, giữ chân được nhân tài, chưa giúp người lao động phát huy hết sở trường, năng lực.

Về khách quan, phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực có phạm vi rộng, bao gồm nhiều nội dung, đối tượng, chính sách cụ thể khác nhau, các nội dung quản lý nhà nước về nhân lực được giao cho nhiều Bộ, dẫn đến những khó khăn trong xây dựng và triển khai thực hiện văn bản về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực. Cạnh tranh quốc tế về thu hút nhân tài ngày càng gia tăng, gay gắt hơn, dẫn đến việc thu hút nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu về lao động chất lượng cao của thị trường lao động Việt Nam còn thấp, còn ít doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, ngành nghề mới, có tác dụng dẫn dắt xu hướng thị trường lao động, định hướng đào tạo lao động trình độ, kỹ thuật, tay nghề cao.

Qua giám sát, đoàn giám sát kiến nghị, về hoàn thiện thể chế cần quán triệt Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng, thể chể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả 4 Nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị, trong đó tập trung thể chế hóa các nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, chủ trương, đường lối của Đảng về hiện đại hóa giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân, dân số và phát triển.

Về sử dụng nguồn nhân lực, đoàn giám sát kiến nghị, Chính phủ thực hiện việc phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, cơ sở trong phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao, lưu ý việc giao thẩm quyền, trách nhiệm cho địa phương, cơ sở phải kèm theo nguồn lực để triển khai thực hiện bao gồm biên chế và ngân sách.

Đồng thời hoàn thiện đề án vị trí việc làm của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập các cấp sau sắp xếp tổ chức, bộ máy. Dịch chuyển cơ cấu thị trường lao động theo hướng sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thu nhập cao. Ưu tiên thu hút, đầu tư các dự án, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, sử dụng lao động kỹ thuật cao; yêu cầu đối tác nước ngoài cam kết chuyển giao công nghệ, hạn chế các dự án gia công và các ngành sản xuất thâm dụng lao động, sử lao động chưa qua đào tạo.

Đoàn giám sát kiến nghị, Chính phủ đổi mới cơ chế sử dụng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao để tăng cường thu hút, giữ chân và phát huy hiệu quả số nhân tài đã được tuyển dụng theo hướng tổ chức các chương trình, công trình, dự án riêng với cơ chế đãi ngộ và môi trường làm việc mang tính mở, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đề cao trách nhiệm. Chú trọng việc thu hút nhân tài là sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, “tổng công trình sư” người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành là người nước ngoài làm việc trong những lĩnh vực mới, lĩnh vực quan trọng như: trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, luật, công nghiệp quốc phòng, khí tượng thủy văn.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoan-thien-de-an-vi-tri-viec-lam-cua-cac-co-quan-sau-sap-xep-to-chuc-bo-may-10310243.html