Nghệ An chủ động vượt khó, tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2025
Trong 6 tháng đầu năm 2025, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, xung đột quân sự tại một số quốc gia, biến động chính sách thuế quan, giá cả, thời tiết, dịch bệnh… đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh đang tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại các xã Vạn An, Kim Liên
Trước tình hình đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội Nghệ An tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Theo công bố của Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 8,24% (xếp thứ 12/34 tỉnh, thành phố, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ). Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,48%. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13,45% (riêng công nghiệp tăng 14,42%). Khu vực dịch vụ tăng 6,72%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,59%.
Tổng sản lượng cây lương thực có hạt (lúa, ngô) ước đạt 633.952,88 tấn, bằng 95,57% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng vụ Hè Thu - Mùa tính đến 20/6 đạt 61.613,9 ha, tăng 3,46%. Chăn nuôi ổn định; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 934.471 m³ (tăng 8,96%), sản lượng thủy sản đạt 153.523 tấn (tăng 4,39%).
Đáng chú ý, có thêm 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 275/362 xã (75,96%), trong đó có 102 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (37,09%) và 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (5,82%). Huyện Nam Đàn đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngoài ra, 40 sản phẩm OCOP mới được công nhận, đưa tổng số sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên lên 737 sản phẩm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng tăng 14,67%. Nhiều sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: đường kính (+19,63%), sữa các loại (+47,32%), xi măng (+10,19%), điện sản xuất (+41,96%), linh kiện điện tử tiếp tục tăng mạnh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 87.314,4 tỷ đồng (+14,8%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.800 triệu USD (+25,1%). Du lịch phục hồi mạnh với 6,2 triệu lượt khách (+13%), doanh thu ước đạt 7.306 tỷ đồng. Ngành ngân hàng dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ, với tổng vốn huy động đạt 297.642 tỷ đồng (+10,05%) và tổng dư nợ đạt 352.060 tỷ đồng (+8,03%).
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 13.909 tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 12.932 tỷ đồng (80,7% dự toán), thu từ xuất nhập khẩu đạt 886 tỷ đồng (54,4%). Chi ngân sách địa phương đạt 26.568 tỷ đồng (63,3% dự toán); trong đó chi đầu tư phát triển đạt 109% dự toán.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 3.907,363 tỷ đồng (43,09% kế hoạch chi tiết giao), cao hơn cùng kỳ năm trước. Một số nguồn vốn giải ngân khá như: CTMTQG NTM (75,23%), sử dụng đất (51,18%), xổ số kiến thiết (45,63%).
6 tháng đầu năm, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận cho 35 dự án, điều chỉnh 98 dự án; tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 15.021,5 tỷ đồng. Vốn FDI cấp mới cho 8 dự án, tổng đăng ký 76,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án với tổng vốn FDI mới và điều chỉnh đạt 292,1 triệu USD.
Thành lập mới 1.594 doanh nghiệp (+46,91%), tổng vốn đăng ký 12.676 tỷ đồng (bằng 85,07% so với cùng kỳ).
Tỉnh Nghệ An đã chăm lo chu đáo Tết Nguyên đán cho người dân. Các chính sách an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm… được triển khai đồng bộ: Giải quyết việc làm cho 23.500 người (51,08% kế hoạch). 20.452 căn nhà cho người nghèo, người khó khăn được xây dựng, sửa chữa (đạt 98,19% kế hoạch). Tổ chức tốt kỳ thi THPT, tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026. Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long kiểm tra hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Quỳnh Thắng
UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo triển khai đồng bộ kế hoạch CCHC năm 2025 với chủ đề: “Quyết liệt, kịp thời - kỷ cương, gương mẫu - Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính”. Đề án 06/CP tiếp tục được triển khai hiệu quả. Tỉnh cũng tập trung hoàn thiện bộ máy chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động từ 01/7/2025.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỷ lệ phá án hình sự đạt 93,8% (án rất nghiêm trọng đạt 100%). Công an tỉnh tiếp nhận hiệu quả các nhiệm vụ mới từ các sở ngành. Tuyển chọn 3.578 công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu. Bộ Quốc phòng đã công bố quyết định giải thể Ban CHQS cấp huyện trong mô hình chính quyền 2 cấp. Nghệ An cũng đã ban hành Đề án sắp xếp Thanh tra tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Nghệ An tiếp tục vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp: Hoàn thiện thể chế, phân cấp, xử lý tài chính, hạ tầng, trụ sở, nhân sự, bảo đảm không gián đoạn hoạt động. Tập trung thực hiện các Nghị quyết trọng điểm: Thực hiện nghiêm túc 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết 137/2024/QH15 và các công trình trọng điểm. Thúc đẩy sản xuất, điều hành tăng trưởng quý III - IV. Gắn trách nhiệm từng ngành, từng sản phẩm theo kịch bản điều chỉnh. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch: Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 có trọng điểm, hiệu quả. Quản lý ngân sách hiệu quả, tiết kiệm chi thường xuyên. Tăng cường thu ngân sách, không để thất thoát. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tăng thu hút FDI, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tập trung vào các dự án trọng điểm (Cảng nước sâu Cửa Lò, Sân bay quốc tế Vinh...).
Đảm bảo an sinh xã hội, y tế, giáo dục. Tập trung phòng dịch, đảm bảo khám chữa bệnh, chuẩn bị tốt năm học mới. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đảm bảo hiệu quả trong sử dụng đất, khoáng sản, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục cải cách hành chính, chuyển đổi số. Giảm thủ tục, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Giữ vững quốc phòng, an ninh. Tuyển quân 2026, ổn định tổ chức quốc phòng trong mô hình 2 cấp, tăng cường đối ngoại, chống tham nhũng. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận. Thúc đẩy thi đua, tạo khí thế thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2025.