Hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định số 8/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 421/TB-VPCP ngày 17/9/2024 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc phân quyền cho các địa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc phân quyền cho các địa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung rà soát tất cả các thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP đảm bảo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 391/TTg-NN ngày 10/6/2024, theo đó thực hiện phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, tránh cơ chế xin cho, tạo thuận lợi cho địa phương, doanh nghiệp, đảm bảo đúng mục tiêu về cắt giảm thủ tục hành chính đã đề ra khi xây dựng dự thảo Nghị định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu tiếp thu các ý kiến xác đáng mà các đại biểu dự họp đã nêu (ý kiến của Thành phố Đà Nẵng; Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam; Hiệp hội Nhựa Việt Nam; một số ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chủ trì và trực tiếp làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia để tiếp tục làm rõ và thống nhất các vấn đề đảm bảo các quy định trong dự thảo Nghị định sát với thực tế và thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.

Về việc quy định miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải và hiệu lực được áp dụng từ ngày 10/1/2022; quy định về máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng nhập khẩu để sử dụng trong các dự án, cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung và dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung được miễn thuế nhập khẩu, Phó Thủ tướng lưu ý đây là các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu và đã được quy định tại Luật này và văn bản quy định chi tiết (Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu). Do vậy, yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đúng các quy định liên quan của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu và văn bản quy định chi tiết, theo đó ban hành theo thẩm quyền và quy định các nội dung này.

Để có thêm cơ sở cho việc xây dựng và ban hành danh mục, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính nghiên cứu thống nhất quy định trong Nghị định một số nội dung có tính chất định hướng, nguyên tắc cho việc xây dựng và ban hành danh mục.

Về thời điểm áp dụng, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu thống nhất phương án quy định đảm bảo phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về quy định lộ trình, tỷ lệ phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp thống nhất giải pháp trên nguyên tắc giải pháp phải có cơ sở pháp lý, đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và pháp luật có liên quan.

Về định mức chi phí tái chế (Fs), Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu thống nhất phương án quy định tại Nghị định về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền ban hành định mức này.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp về việc bổ sung các quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường (trách nhiệm, phạm vi, nội dung, thời hạn cho ý kiến).

Về trách nhiệm tài chính đối với các doanh nghiệp trong việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ý kiến của Bộ Công Thương nêu tại cuộc họp để có giải pháp trên nguyên tắc phải đánh giá kỹ tác động của phương án này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát kỹ các Phụ lục kèm theo dự thảo Nghị định để đảm bảo các tiêu chí, nội dung tại các Phụ lục phải mang tính định lượng, có cơ sở khoa học và có tính khả thi; tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của Thành viên Chính phủ để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 9 năm 2024.

Cần thiết ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP

Để triển khai các chính sách thuộc lĩnh vực môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường đến đầy đủ các đối tượng cơ quan, tổ chức, cá nhân; thường xuyên trả lời, giải đáp cụ thể các ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành; chủ động đôn đốc các Bộ, ngành có liên quan trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, quy định thuộc trách nhiệm đã được Thủ tướng Chính phủ phân công tại Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Đến nay, việc triển khai các quy định, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường đã từng bước đi vào cuộc sống, bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức của người dân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cắt giảm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý và tăng cường phân cấp cho địa phương thực hiện. Cụ thể tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn; giao các Bộ, ngành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30 tháng 9 hàng năm. Bên cạnh đó, tại cuộc họp ngày 08/3/2023 về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường đến đầy đủ các đối tượng cơ quan, tổ chức, cá nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nắm bắt, tổng hợp các ý kiến đề xuất của người dân, doanh nghiệp, địa phương kiến nghị trong quá trình triển khai thi hành Luật. Kết quả tổng hợp ý kiến cho thấy có một số ý kiến đề nghị rà soát để tiếp tục tăng cường phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính về môi trường, cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và thuận lợi hơn cho việc triển khai một số chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Do vậy, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP là cần thiết và là yêu cầu thực tiễn khách quan.

Phương Nhi

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/hoan-thien-sua-doi-nghi-dinh-so-8-2022-nd-cp-quy-dinh-chi-tiet-mot-so-dieu-cua-luat-bao-ve-moi-truong-102240917171508461.htm