Hoàn thiện hành lang pháp lý thi hành Luật Ngân sách nhà nước năm 2025
Ngày 7/7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị toàn quốc xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đối với hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: MINH PHƯƠNG)
Đây là bước đi quan trọng nhằm thể chế hóa đầy đủ các nội dung mà Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và khả thi để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước trong giai đoạn phát triển mới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, năm 2025 là một dự án luật có phạm vi rộng lớn, tác động sâu sắc tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực và địa phương trong cả nước. Luật đóng vai trò nền tảng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới. Tại lần sửa đổi này, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết 4 nội dung, và giao Chính phủ quy định chi tiết 26 nội dung. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 6 nghị định của Chính phủ.
Dự thảo Nghị định được lấy ý kiến tại hội nghị lần này là văn bản quan trọng, quy định chi tiết 20 trong tổng số 26 nội dung mà Quốc hội đã giao cho Chính phủ. Đây là Nghị định sẽ thay thế Nghị định số 163/2016/NĐ-CP hiện hành văn bản được ban hành để hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, nhưng nay không còn phù hợp với những thay đổi mang tính nền tảng trong Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi năm 2025.

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị
Trên cơ sở hồ sơ chính thức của dự án luật và kết quả phối hợp, trao đổi với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình xây dựng, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng hồ sơ trình Chính phủ và đồng thời xây dựng dự thảo Nghị định. Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 18130/BTC-NSNN ngày 20/6/2025 gửi tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương để lấy ý kiến; đồng thời đăng tải dự thảo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, hội nghị lần này là bước tiếp theo nhằm tiếp tục xin ý kiến đối với những nội dung đã được chỉnh lý sau khi Quốc hội thông qua Luật, với mục tiêu bảo đảm dự thảo Nghị định được xây dựng toàn diện, bám sát thực tiễn và có tính khả thi cao khi triển khai.
Dự thảo Nghị định được xây dựng theo 5 nhóm quan điểm chỉ đạo chủ yếu.
Thứ nhất, bảo đảm thống nhất với các nguyên tắc sửa đổi luật đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật Ngân sách nhà nước và đồng bộ với Nghị quyết số 203/2025/QH15 của Quốc hội ngày 16/6/2025 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và các luật có liên quan.
Thứ hai, quy định chi tiết những nội dung đã được giao tại Luật Ngân sách nhà nước.
Thứ ba, bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật cũng như chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, kế thừa những quy định hiện hành đã được thực hiện chứng minh đem lại các tác động tích cực đến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước. Những nội dung cần sửa đổi bổ sung được xem xét và xây dựng một cách rõ ràng, minh bạch trong dự thảo.
Thứ 5, đơn giản hóa trình tự thủ tục bảo đảm tính khả thi, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm. tạo tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong việc lập, chấp hành, quyết toán công khai giám sát ngân sách nhà nước.
Tại hội nghị, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), ông Gonzalo Serrano, Phó Trưởng ban Hợp tác cho biết, EU cùng với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã và đang đồng hành chặt chẽ cùng Bộ Tài chính trong khuôn khổ Chương trình tăng cường quản trị kinh tế ở Việt Nam.
Ông Gonzalo Serrano chia sẻ, EU đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ Việt Nam triển khai Luật Ngân sách nhà nước mới theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và gắn với cải cách , xây dựng môi trường thuế minh bạch, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp châu Âu. Việc hoàn thiện khung pháp lý ngân sách sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thu-chi ngân sách nhà nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển và an sinh xã hội cho người dân.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có các vấn đề như điều kiện và phương pháp xác định bội chi ngân sách; cơ chế quản lý và hạch toán vay-trả nợ công; cách thức hỗ trợ ngân sách cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước; tiếp nhận và quản lý nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện; hỗ trợ ngân sách nhà nước cho các tổ chức xã hội.
Một nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp là thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương. Đây là nội dung mới nhằm nâng cao tính tự chủ của địa phương, đi liền với trách nhiệm giải trình và kiểm soát minh bạch trong quản lý ngân sách.
Các nội dung liên quan đến lập dự toán ngân sách nhà nước cũng được thảo luận kỹ lưỡng, bao gồm trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trình tự và thời gian lập, tổng hợp, quyết định và giao dự toán. Nhiều ý kiến đóng góp về quy trình phân bổ và giao dự toán, tổ chức thu-chi ngân sách, nguyên tắc và điều kiện ứng trước dự toán, xử lý tăng thu, vượt thu, bù hụt thu và quyết toán chi còn lại.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước là yêu cầu cấp thiết để thể chế hóa kịp thời Luật mới, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu điều hành ngân sách trong bối cảnh phát triển mới. Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, bảo đảm chất lượng cao khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.