Hoàn thiện khung hạ tầng, thu hút đầu tư
Thừa Thiên Huế ưu tiên huy động các nguồn lực, chú trọng đẩy nhanh đầu tư xây dựng các dự án (DA) trọng điểm phát triển khung hạ tầng. Đồng thời, từng bước cải thiện môi trường đầu tư nhằm ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn.
Chú trọng kết cấu hạ tầng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thời gian qua, đơn vị đã ưu tiên huy động nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn từ ngân sách trung ương, địa phương và đầu tư từ các bộ, ngành. Chú trọng đẩy nhanh đầu tư xây dựng các DA trọng điểm phát triển khung hạ tầng như tuyến đường bộ ven biển, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, hạ tầng đô thị thành phố Huế.
Đặc biệt, sắp đến tỉnh sẽ khởi công xây dựng cầu qua phá Tam Giang - Cầu Hai, nối thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang) với xã Vinh Xuân. Cầu dài 1,4km, khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách rất nhiều giữa các xã ven biển với Phú Đa và trung tâm TP. Huế. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện trạng khoảng cách từ cầu Thuận An đến cầu Trường Hà dài khoảng 20km ảnh hưởng rất lớn đến kết nối 2 bờ đông - tây phá Tam Giang ở huyện Phú Vang, khó khăn trong giao thương đi lại của người dân. Do đó, trong tương lai sẽ có ít nhất 3 cây cầu bắc qua phá Tam Giang nhằm kết nối vùng, thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Với lợi thế có hơn 128km đường bờ biển cùng hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á với diện tích 22.000 ha, trong quá trình xây dựng quy hoạch, tỉnh đặc biệt quan tâm đến những yếu tố tự nhiên như biển, đầm phá. Đồng thời, định hướng mô hình đô thị trực thuộc Trung ương trong tương lai được xác định theo dạng mô hình “chùm đô thị, đa trung tâm”, vươn ra biển, phát huy vị trí đầu mối trên các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng.
Để cụ thể hóa định hướng này, thời gian đến, tỉnh định hướng xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái có tầm quốc gia và quốc tế; là vùng động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ gắn với xây dựng khu vực Thừa Thiên Huế - TP. Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao của quốc gia.
Quy hoạch phát triển kinh tế biển và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái kết hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch biển, du thuyền trên phá Tam Giang. Ưu tiên thu hút các DA về du lịch theo hướng hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái biển, đầm phá, các trung tâm du lịch thể thao, du lịch chữa bệnh chất lượng cao, du lịch tín ngưỡng.
Hiện, tỉnh đang tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là hệ thống đường ven biển. Phát triển các đô thị ven biển dọc đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đặc biệt, hình thành khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Bạch Mã - Cảnh Dương, khu du lịch quốc gia trên đầm phá và đầu tư nhà ga đón tàu du lịch biển tại cảng Chân Mây.
Trung tâm kinh tế biển
Với mục tiêu xây dựng vùng biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các thành phần kinh tế. Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn lực cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chú trọng thu hút đầu tư, xúc tiến các DA lớn, tạo giá trị gia tăng, nguồn thu ngân sách.
Đẩy mạnh phát triển các khu chức năng của vùng, trong đó chú trọng đầu tư phát triển Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô - vùng động lực quan trọng của vùng, là trung tâm logistics, giao thương quốc tế gắn với cảng nước sâu Chân Mây, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp... theo hướng bền vững, hiệu quả.
Tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chú trọng các DA đầu tư vào hạ tầng cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu công nghệ cao... phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng một số khu đô thị khu vực Chân Mây, hạ tầng phát triển thủy sản, hình thành làng cá, nhất là các nghề dịch vụ và chế biến thủy, hải sản, từng bước hình thành các đô thị nghề.
Đồng thời, hình thành Công viên đầm phá Quốc gia theo hướng sắp xếp lại dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn gen, thích ứng biến đổi khí hậu. Phát triển cụm ngành với các ngành nòng cốt là dịch vụ cảng biển và vận tải biển Quốc tế, trung chuyển trong nước.
Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào các ngành du lịch sinh thái biển, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ công nghệ sinh học và sử dụng đổi mới công nghệ, chế tạo sản phẩm mới... Tham gia ngày càng nhiều và có hiệu quả vào những khâu, công đoạn có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao trong mạng sản xuất và phân phối toàn cầu, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thu hút đầu tư
Bộ KH&ĐT đã đưa các tiêu chí về “sếu đầu đàn”, bao gồm những doanh nghiệp, tập đoàn lớn có khả năng chi phối thị trường và hoạt động trong những lĩnh vực mang tính lan tỏa, dẫn dắt. Những con "sếu đầu đàn" ở Việt Nam, có thể kể đến các tập đoàn như Vingroup, Sungroup, Hòa Phát, Sovico (Vietjet air), FPT và hàng loạt các tập đoàn đa ngành nghề khác.
Theo UBND tỉnh, sự có mặt của những “con sếu đầu đàn” trong lĩnh vực đầu tư đối với các DA ngoài ngân sách của tỉnh là hết sức quan trọng, nhằm tạo tính lan tỏa và động lực trong thu hút đầu tư. Trong thời gian qua, xác định tầm quan trọng của những “con sếu đầu đàn”, tỉnh luôn xác định vai trò hết sức quan trọng của việc tập trung mời gọi những tập đoàn lớn, uy tín, đã có các DA thành công và có năng lực tài chính đảm bảo để xúc tiến đầu tư các DA trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Có thể kể đến như Tập đoàn Vingroup đã xây dựng và đưa vào vận hành dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại khách sạn Vincom Huế bao gồm Trung tâm thương mại Vincom và Khách sạn Vinpearl ở trung tâm TP. Huế; Tập đoàn Banyan Tree, một trong những doanh nghiệp hàng đầu Singapore với dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp và sân gôn cao cấp Laguna đã đi vào hoạt động tại huyện Phú Lộc…
Một số những doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước tiêu biểu khác đã nghiên cứu đầu tư tại tỉnh như Công ty cổ phần Văn Phú - Invest với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc Bình, huyện Phú Lộc, hiện đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; Tập đoàn BRG cũng đã được cấp phép đầu tư hai dự án sân golf quốc tế tại xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang và dự án khách sạn, du lịch Vinh Thanh, đều đang khẩn trương triển khai các thủ tục để sớm đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, còn có các tên tuổi lớn khác đã và đang nghiên cứu đầu tư các dự án lớn trong các lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng, các khu đô thị xanh, sinh thái, các dự án trong lĩnh vực giáo dục như VSIP, Sovico, Hòa Phát, FPT, Tập đoàn KX và Deawon của Hàn Quốc,... tại các huyện, thị xã và Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô của tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư với các giải pháp trong việc tăng cường hoạt động các tổ công tác hỗ trợ các DA đầu tư ngoài ngân sách do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, sẵn sàng các điều kiện để giao mặt bằng sạch, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng,… để tạo điều điện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.