Hoàn thiện khung pháp lý để tăng chi cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Hiện nay, cơ chế, chính sách về tài chính cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đang còn nhiều tồn tại cần phải tháo gỡ để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ. Bộ Tài chính đang kiến nghị một số giải pháp để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
![Chi cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được lồng ghép từ nhiều nguồn khác nhau. Ảnh tư liệu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_14_578_51471941/cac72ce31dadf4f3adbc.jpg)
Chi cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được lồng ghép từ nhiều nguồn khác nhau. Ảnh tư liệu
Dành nguồn lực hiện nay khoảng 2%
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, giai đoạn 2021 - 2025, việc bố trí ngân sách nhà nước để chi cho phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được lồng ghép từ nhiều nguồn khác nhau. Qua rà soát, tổng hợp, tổng chi cho lĩnh vực này vẫn còn khiêm tốn. Cụ thể, năm 2021 đạt 1,37%, năm 2022 đạt 1,72%, năm 2023 đạt 1,39%, năm 2024 đạt 1,97% và dự kiến 2025 đạt 2%.
Việc chi ngân sách nhà nước cho KHCN hiện nay cũng đang có một số tồn tại, bất cập bởi nội dung này được quy định ở nhiều luật hiện hành, bao gồm Luật KHCN, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Trong cả các quy định khác về chi cho KHCN cũng có những điểm chưa thống nhất dẫn đến khó khăn cho quá trình bố trí, phân bổ nguồn vốn cũng như thanh toán, quyết toán các đề án, dự án.
Một điểm nữa được Bộ Tài chính chỉ ra là việc kinh phí bố trí thường xuyên cho KHCN thường không phân bổ hết vào thời điểm tổng hợp dự toán cũng như thực hiện trong năm. Thời điểm tổng hợp dự toán có nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định nên số tổng hợp đề xuất phân bổ đầu năm đều thấp hơn số dành cho lĩnh vực này. Việc trình phân bổ trong năm chậm dẫn đến không thực hiện hết được dự toán đã được Quốc hội phân bổ.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành đã quy định về thực hiện các nhiệm vụ KHCN thông qua Quỹ KHCN. Tuy nhiên, hiện nay vẫn duy trì mô hình các văn phòng Chương trình KHCN quốc gia và Quỹ Phát triển KHCN quốc gia cùng thực hiện chức năng cấp kinh phí cho các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia. Nguồn hình thành Quỹ KHCN chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa phù hợp với Luật KHCN và Luật Ngân sách nhà nước.
Tháo gỡ các điểm nghẽn
Vào hồi cuối năm ngoái, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ cũng đã có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này. Theo đó, một trong những chỉ tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2030 là chi tối thiểu 3% trong tổng chi ngân sách hàng năm và tăng dần theo yêu cầu cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đơn vị được giao chủ trì theo dõi, đánh giá mục tiêu này là Bộ Tài chính.
Linh hoạt chính sách thuế để hỗ trợ
Bộ Tài chính đang chủ trì, trình cấp có thẩm quyền các hồ sơ đã sửa đổi các luật thuế, trong đó đề xuất các ưu đãi thuế với các hoạt động đầu tư, kinh doanh công nghệ cao cũng như các nhân lực công nghệ cao. Tới đây, Bộ Tài chính cho phép thử nghiệm các chính sách thuế mới linh hoạt hơn để hỗ trợ phát triển KHCN, thường xuyên rà soát và cập nhật, điều chỉnh các chính sách thuế cho phù hợp với sự phát triển của KHCN và chuyển đổi số.
Để triển khai, theo ông Vũ Đức Hội – Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), đơn vị tham mưu với lãnh đạo Bộ Tài chính để xây dựng chương trình hành động, giao nhiệm vụ đến từng cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính, trong đó có cụ thể lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành.
Trong bài phát biểu trước Chính phủ liên quan đến nội dung này diễn ra vào đầu tuần, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng thẳng thắn đề đạt một số giải pháp.
Trước tiên là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó chú trọng xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro. Cụ thể là trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật KHCN theo hướng quy định rõ Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí đủ nguồn lực ngân sách nhà nước cho KHCN và đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan, địa phương xây dựng phương án phân bổ dự toán, quản lý sử dụng và thanh, quyết toán. Việc này sẽ giải quyết ngay những điểm nghẽn về cơ chế chính sách.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cần tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm cho các tổ chức nghiên cứu trong việc rà soát, phê duyệt và xây dựng nhiệm vụ và sử dụng ngân sách nhà nước cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó là phải làm rõ nội hàm chi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phê duyệt nhiệm vụ, chương trình, đề án và đề xuất nhu cầu kinh phí làm cơ sở để Bộ Tài chính cân đối và trình cấp có thẩm quyền bố trí theo Nghị quyết 57 phát triển hiện đại hóa hạ tầng và tiềm lực KHCN, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi các quy định về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ đối với các tổ chức KHCN, cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ chế ưu đãi tín dụng cho nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng phát triển công nghệ số chiến lược, công nghiệp công nghệ số, công nghệ dữ liệu lớn, cơ chế tín dụng ưu đãi lớn, ưu đãi đặc biệt với học sinh, sinh viên ngành Stem, cụ thể là ngành công nghệ khoa học, ngành toán học.
Cuối cùng, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ Tài chính đang triển khai đánh giá tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KHCN của đội ngũ cán bộ KHCN, tạo chính sách trọng dụng cho cán bộ KHCN, các cá nhân hoạt động KHCN đổi mới sáng tạo, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam.
Doanh nghiệp lớn phải đi đầu
Theo đề xuất mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, tăng trưởng bằng các động lực truyền thống đã dần tới hạn. Việt Nam có thể tăng trưởng tới 7% bằng các động lực truyền thống, tăng thêm từ 7% tới 10%, thì phải tìm các động lực tăng trưởng mới. 3% tăng trưởng mới này chỉ có thể đến từ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bộ 3 "KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số" là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, phát triển bứt phá, giầu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Bộ này cũng cho rằng, KHCN chỉ có thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nếu các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Để thúc đẩy thương mại hóa thì kết quả nghiên cứu từ ngân sách nhà nước nên thuộc sở hữu của các cơ sở nghiên cứu. Để kích thích sự sáng tạo của nhà khoa học, kỹ sư thì nên cho họ hưởng một phần, từ 30 - 50% kết quả thương mại hóa. Nhà nước thì thu lợi từ thuế, công ăn việc làm khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa và tạo ra doanh thu, lợi nhuận.
Viện nghiên cứu nhận tiền từ Nhà nước để nghiên cứu dựa trên cơ sở của một hợp đồng nghiên cứu, nhưng tiền mà cơ sở nghiên cứu nhận được từ Nhà nước để nghiên cứu thì lại phải chi như là tiền ngân sách của một đơn vị hành chính nhà nước, như một cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước là làm những việc đã biết, đã được định nghĩa. Nghiên cứu là làm việc chưa biết, chưa có, vậy phải theo một cơ chế khác.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nên để viện nghiên cứu chi “đồng tiền” mà họ nhận được từ Nhà nước để nghiên cứu theo cơ chế chi của doanh nghiệp, cơ chế khoán. Nhà nước quản theo kết quả nghiên cứu, tức là quản theo mục tiêu, thay vì quản cách làm, quản quy trình...
Mặt khác nữa, muốn phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì các doanh nghiệp lớn phải đi đầu. Các doanh nghiệp lớn phải nhận những nhiệm vụ quốc gia, làm chủ công nghệ chiến lược, nhận các dự án chuyển đổi số trọng điểm quốc gia. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp lớn đối với đất nước. Đây cũng là nhiệm vụ mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị giao các doanh nghiệp công nghệ dân tộc.