Hoàn thiện Luật Hóa chất (sửa đổi): Bảo đảm an toàn, tăng cường kiểm soát trong bối cảnh hội nhập
Tại phiên thảo luận sáng ngày 08/5 trong chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) - một văn bản pháp lý quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh đã nêu nhiều kiến nghị cụ thể, sát thực tiễn, tập trung vào việc đảm bảo an toàn, kiểm soát rủi ro và lấp các khoảng trống pháp lý trong hoạt động hóa chất.

Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) sáng ngày 08/5. Ảnh: media.quochoi.vn
Chuẩn hóa khái niệm - gắn với thông lệ quốc tế
Góp ý về Điều 2 của Dự thảo, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng cần làm rõ và chuẩn hóa các khái niệm pháp lý để đảm bảo hiệu lực thi hành thống nhất. Cụ thể, với khái niệm “hóa chất nguy hiểm” (khoản 4), dự thảo Luật quy định “Hóa chất nguy hiểm là hóa chất gây hại cho sức khỏe của con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường và có ít nhất một đặc tính nguy hiểm theo nguyên tắc phân loại do Bộ Công Thương quy định”.
Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng việc chỉ dẫn chiếu “do Bộ Công Thương quy định” như dự thảo là chưa đủ rõ ràng, dễ dẫn đến lúng túng trong áp dụng. Từ đó, đại biểu kiến nghị cần viện dẫn Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS) - tiêu chuẩn quốc tế đang được hơn 70 quốc gia áp dụng - làm cơ sở phân loại chính thức, kết hợp với hướng dẫn kỹ thuật phù hợp điều kiện Việt Nam.
Về “nguyên tắc hóa học xanh” (khoản 17), dự thảo Luật quy định: “Nguyên tắc hóa học xanh là bộ nguyên tắc được áp dụng trong thiết kế, lựa chọn công nghệ, thiết bị quy trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ hóa chất nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ việc sử dụng và tạo ra các hóa chất nguy hiểm”. Theo đại biểu Thạch Phước Bình, khái niệm như dự thảo Luật còn quá chung, không đủ sức làm căn cứ pháp lý.
Đại biểu nhấn mạnh, Luật cần dẫn chiếu rõ 12 nguyên tắc cốt lõi của Green Chemistry (được phát triển bởi Anastas & Warner, 1998) đã được OECD, UNEP và nhiều nước phát triển công nhận để làm căn cứ áp dụng trong thiết kế, đánh giá công nghệ hóa chất.

Đại biểu Thạch Phước Bình thảo luận dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) tại hội trường buổi sáng ngày 08/5. Ảnh: media.quochoi.vn
Từ đó, đại biểu đề xuất sửa đổi Khoản 17 theo hướng: “Nguyên tắc hóa học xanh là 12 nguyên tắc thiết kế và vận hành quy trình hóa học nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng và tạo ra các chất nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường, bao gồm: (1) phòng ngừa chất thải, (2) tối ưu hóa hiệu suất nguyên liệu, (3) sử dụng hóa chất ít độc, (4) tạo sản phẩm an toàn, (5) giảm phụ gia và dung môi, (6) tiết kiệm năng lượng, (7) sử dụng nguyên liệu tái tạo, (8) giảm bước trung gian, (9) dùng chất xúc tác, (10) thiết kế phân hủy, (11) theo dõi thời gian thực, (12) giảm rủi ro tai nạn hóa học”. Đồng thời, đề nghị đưa 12 nguyên tắc này vào Phụ lục của Luật để thuận tiện tra cứu, đào tạo, kiểm tra.
Bịt lỗ hổng về buôn bán hóa chất trên môi trường mạng
Đại biểu Thạch Phước Bình cảnh báo: hiện nay, việc rao bán hóa chất nguy hiểm qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đang diễn ra ngày càng phổ biến, ẩn danh và khó kiểm soát. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa quy định rõ đây là hành vi bị nghiêm cấm, gây khó khăn trong xử lý.
Từ đó, đề xuất bổ sung một khoản mới trong Điều 3: “Lợi dụng nền tảng số, mạng xã hội, website, sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng cáo, rao bán, kinh doanh, cung cấp hóa chất nguy hiểm trái pháp luật.” Đồng thời, đại biểu đề nghị quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trên môi trường mạng.
Tăng cường đánh giá rủi ro và kiểm soát dự án hóa chất
Đối với Điều 7 - Dự án hóa chất, đại biểu cho rằng dự thảo mới dừng ở các yêu cầu chung mà chưa có quy định cụ thể về đánh giá rủi ro môi trường - xã hội, nhất là đối với các dự án quy mô lớn, nằm tại khu vực đô thị, dân cư đông đúc hoặc nhạy cảm về môi trường.
Đề nghị bổ sung nội dung: “Chủ đầu tư các dự án hóa chất lớn hoặc đặt tại vùng nhạy cảm về môi trường phải lập báo cáo đánh giá rủi ro môi trường - xã hội, phân tích tác động lan truyền khi xảy ra sự cố hóa chất để cơ quan phê duyệt thẩm định, xem xét.” Đồng thời, giao Chính phủ ban hành bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, có thể tích hợp với báo cáo tác động môi trường (EIA) hoặc chiến lược môi trường (SEA).
Siết chặt kiểm soát hóa chất lưỡng dụng và nghĩa vụ khai báo
Với Điều 14 - Xuất nhập khẩu hóa chất, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất: cần quy định rõ cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành: Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nhằm giám sát chặt chẽ các hóa chất lưỡng dụng, tránh lợi dụng để sản xuất chất cấm, vũ khí hóa học.
Đồng thời, khoản (5) cần bổ sung thời hạn và chế tài: tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải khai báo trong 5 ngày làm việc kể từ khi hoàn tất thủ tục hải quan; nếu vi phạm sẽ bị xử phạt, thậm chí đình chỉ nhập khẩu tối đa 12 tháng.
Bổ sung cơ chế kiểm định định kỳ - thiết lập “hàng rào phòng ngừa”
Về Chương VI - An toàn hóa chất, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng cần thiết lập cơ chế kiểm định định kỳ bắt buộc đối với các cơ sở hóa chất quy mô lớn hoặc có nguy cơ cao. Thực tế nhiều vụ rò rỉ, cháy nổ hóa chất thời gian qua cho thấy sự thiếu vắng giám sát kỹ thuật thường xuyên tại doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân.
Đề nghị bổ sung vào Luật quy định: kiểm định hệ thống kỹ thuật, thiết bị lưu trữ, xử lý hóa chất ít nhất 3 năm/lần; giao Chính phủ hướng dẫn danh mục cơ sở, loại thiết bị phải kiểm định; tổ chức không kiểm định hoặc không đạt yêu cầu sẽ bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu khắc phục bắt buộc.
Pháp luật phải tạo cơ chế chủ động - không để “chạy sau sự cố”
Kết thúc phần phát biểu, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình khẳng định: Luật Hóa chất cần lấy nguyên tắc phòng ngừa là chính, giám sát là nền, liên thông dữ liệu là điều kiện, tránh tình trạng “rượt đuổi theo sự cố” như nhiều năm qua. Ông nhấn mạnh: “Những đề xuất này không chỉ xuất phát từ thực tiễn giám sát ở cơ sở mà còn phản ánh kỳ vọng của cử tri vào việc xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, đồng bộ và hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực có mức độ rủi ro cao như hóa chất”.