Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền
Sáng 12.8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, 35 Ngô Quyền, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.
Cùng dự có: Phó Chánh Thanh tra Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng Phạm Huyền Anh; Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) Lê Xuân Nghĩa; đại diện các cơ quan, hiệp hội và các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nêu rõ, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội Khóa XIII thông qua năm 2012, qua đó tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống rửa tiền cũng như phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Luật cho thấy những bất cập, hạn chế, nhất là một số quy định hiện nay không còn phù hợp với 40 quy định của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về phòng, chống rửa tiền (FATF).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, tháng 3.2022, Hội nghị toàn thể của FATF đã thông qua Báo cáo đánh giá đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam. Trong đó, đánh giá Việt Nam còn thiếu hụt, không đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần về khuôn khổ pháp lý; hiệu quả thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền mới chỉ đạt ở mức trung bình hoặc thấp. Với kết quả đánh giá này, Việt Nam đã bị đưa vào chương trình rà soát tăng cường và có 12 tháng kể từ tháng 3.2022 để khắc phục những thiếu hụt. Vì vậy vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là phải khẩn trương sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống rửa tiền.
Cho rằng đây là dự án luật khó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế gợi mở một số nội dung quan trọng để các đại biểu thảo luận như: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng (đối tượng báo cáo được bổ sung rộng hơn, có khả thi không khi cả tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý, đá quý nhỏ lẻ cũng thuộc đối tượng báo cáo của dự thảo Luật); vấn đề đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành về rửa tiền; sự đáp ứng của dự thảo Luật đối với các khuyến nghị của FATF; vấn đề thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin; trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin; nhận biết khách hàng và giao dịch đáng ngờ.
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu đánh giá dự thảo Luật đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phòng, chống rửa tiền. Nội dung dự thảo Luật về cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các đại biểu cũng cho rằng, dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) phải quán triệt tinh thần của Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7.12.2015 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2.6.2021 của Ban Bí thư, nhất là vấn đề hoàn thiện pháp luật về công khai, minh bạch, về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, trước mắt cần quy định các giao dịch lớn của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn phải được thông qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng, góp phần hỗ trợ cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong phát hiện các giao dịch đáng ngờ.
Đồng thời, để tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực cho các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống rửa tiền, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định về: linh hoạt thời điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản; cấm các giao dịch chuyển nhượng, tặng, cho tài sản kể từ khi có quyết định bị thanh tra, kiểm tra, khởi tố; quy định thẩm quyền của thanh tra viên, kiểm toán viên được áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản trong quá trình thanh, kiểm tra;…