HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI: XỬ LÝ NGHIÊM HÀNH VI VI PHẠM NHƯNG VẪN NHÂN VĂN

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) quy định chính sách hình sự về hình phạt áp dụng đối với NCTN theo hướng giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành đồng thời bổ sung một số nội dung phù hợp. Tán thành quan điểm này, tuy nhiên một số ý kiến ĐBQH và chuyên gia đề nghị quy định đầy đủ về các vấn đề liên quan đến hình phạt, đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn…

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 gồm 173 điều được chia thành 05 phần, 11 chương, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên... Việc ban hành Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới và hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên (NCTN); bảo đảm và bảo vệ tốt nhất lợi ích của NCTN.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Góp ý vào quy định về hình phạt, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đồng tình với quy định tại dự thảo luật (từ Điều 107 đến Điều 119). Theo đó, giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên như Bộ luật Hình sự hiện hành (quy định 04 hình phạt, gồm: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn). Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên.

Đồng thời, bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 03 năm.

Đại biểu cũng tán thành với việc mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền hoặc cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện; mức tiền phạt không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định. “Quy định như vậy nhằm đảm bảo sự công bằng trong quá trình thực hiện các quy định về hình phạt tiền đối với người lớn hiện nay…”, đại biểu lý giải.

Cũng theo đại biểu, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; áp dụng hình phạt với người chưa thành niên phạm tội chỉ được xem là giải pháp cuối cùng. Vì vậy, đề nghị rà soát kỹ lưỡng về nội dung cụ thể trong bốn loại hình phạt; cần xem xét một cách nhân văn và thân thiện đối với xử lý NCTN phạm tội để tạo cơ hội cho NCTN có hành vi vi phạm pháp luật sớm sửa sai, làm lại cuộc đời, trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng nội dung cụ thể của 4 loại hình phạt (cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn) để bảo đảm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về xử lý nhân văn hơn đối với người chưa thành niên. Trong đó, cần cân nhắc mở rộng trường hợp cảnh cáo áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án, đồng phạm, nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án để bảo đảm xử lý nhân văn với người chưa thành niên trong trường hợp này.

Về quy định người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng tại Điều 156, đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo. “Quy định như vậy sẽ bảo đảm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sự phát triển của người chưa thành niên, đặc biệt là bảo đảm tối đa quyền được học tập của người chưa thành niên, hạn chế các tác động tiêu cực của việc giam giữ chung trại giam với phạm nhân là người lớn…”, đại biểu lý giải.

Cũng theo đại biểu, mặc dù việc triển khai quy định này có thể phát sinh kinh phí đầu tư ban đầu nhưng hiệu quả mang lại cho người chưa thành niên là rất lớn, về lâu dài sẽ tiết kiệm được kinh phí so với việc tất cả các trại giam trên toàn quốc đều phải đầu tư khu giam giữ riêng cho người chưa thành niên, trong khi số lượng người chưa thành niên chấp hành án tại các trại giam không lớn, trình độ học vấn khác nhau sẽ khó khăn cho việc bố trí dạy văn hóa, dạy nghề và khó đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của người chưa thành niên. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, cần nghiên cứu quy định thời điểm hiệu lực thi hành đối với nội dung này muộn hơn, có thể là 03 năm sau khi Quốc hội thông qua luật để có thời gian cần thiết chuẩn bị các điều kiện về đất đai, xây dựng trại giam, bố trí cơ sở vật chất,.. để tổ chức thi hành luật được hiệu quả.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Quan tới quy định phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội nếu người đó có thu nhập, có tài sản riêng hoặc cha, mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp với nguyên tắc áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với chính người vi phạm, vừa không phù hợp với Bộ luật Lao động hiện hành và thực trạng đối với nhóm người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát để có quy định chặt chẽ hơn đối với hình phạt tiền không áp dụng cho người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi. “Ở độ tuổi này các đối tượng chưa làm ra tiền hoặc không có thu nhập để tự mình thi hành hình phạt chính là phạt tiền. Như vậy, việc áp dụng hình phạt này mô hình chung là phạt chính cha, mẹ, người giám hộ hợp pháp của NCTN phạm tội. Thay vào đó để đảm bảo chủ trương giảm án phạt tù, chỉ nên áp dụng cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn nhưng cho hưởng án treo cho nhóm độ tuổi này, trừ các trường hợp vi phạm các tội nghiêm trọng…”, đại biểu đề nghị.

 Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Về mức hình phạt tù và tổng hợp hình phạt tù, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tán thành dự thảo cần mức giảm hình phạt tù và tổng hợp hình phạt tù đối với NCTN từ người đủ 16 tuổi đến người dưới 18 tuổi phạm tội không quá 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội không quá 9 năm tù và trừ trường hợp NCTN phạm các tội sau đây: Tội giết người; Tội hiếp dâm; Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Tội sản xuất trái phép chất ma túy.

Theo đại biểu, quy định như tại dự thảo luật vừa đảm bảo tính nhân văn trong xử lý người chưa thành niên phạm tội, vừa đảm bảo được nghiêm khắc trong xử lý một số các nội dung xâm phạm tính mạng, nhân phẩm hay là các tội phạm đặc biệt như ma túy, sản xuất ma túy.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Tuy nhiên, ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm, nên giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành về mức hình phạt và tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên nhằm mang tính răn đe, giáo dục đối với những người chưa thành niên. Theo đại biểu, nếu giảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt cho người chưa thành niên, trừ trường hợp người chưa thành niên phạm tội như được liệt kê ở trong dự thảo luật sẽ làm mất tính nghiêm minh của pháp luật và có nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ tội phạm ở lứa tuổi chưa thành niên.

Cũng theo đại biểu, cần rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên bị buộc tội theo hướng thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm và thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm không quá 1/2 thời hạn tương ứng được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, trừ trường hợp vụ án có tính chất phức tạp. Bời vì, mục đích xây dựng và ban hành một luật riêng, chuyên biệt quy định các về các vấn đề tư pháp đối với đối tượng NCTN nhằm bảo vệ, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ các thủ tục tố tụng hình sự, ảnh hưởng đến tâm lý của đối tượng này. Do vậy, việc rút ngắn thời hạn thủ tục tố tụng là rất cần thiết./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=87981