Hoàn thiện quy định về khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Nam, Lào Cai, Kiên Giang, Vĩnh Phúc) chiều 20.6, các ĐBQH cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản với các lý do được Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra đưa ra.

Giao nhiệm vụ lập quy hoạch khoáng sản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là phù hợp

Theo ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai), việc sớm ban hành Luật sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục khai thác khoáng sản nhằm kịp thời cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là công trình trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án đường bộ cao tốc được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân rất quan tâm trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: Khánh Duy

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: Khánh Duy

Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, Chính phủ đề xuất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh có liên quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I; quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II (Điều 15).

Thẩm tra về nội dung này, trong cơ quan chủ trì thẩm tra (Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề xuất của Chính phủ. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng giao Bộ Công Thương tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm I; Bộ Xây dựng tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm II.

ĐBQH Dương Văn An (Vĩnh Phúc) phát biểu tại tổ. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Dương Văn An (Vĩnh Phúc) phát biểu tại tổ. Ảnh: Khánh Duy

ĐBQH Dương Văn An (Vĩnh Phúc) tán thành với loại ý kiến thứ nhất bởi ngành tài nguyên và môi trường có đầy đủ con người, trang thiết bị để điều tra về địa chất, khoáng sản, người dân nhiều tỉnh, thành phố vốn đã quen với hình ảnh của những đoàn điều tra địa chất, khoáng sản của ngành tài nguyên và môi trường trong hàng chục năm qua.

Mặt khác, đại biểu Dương Văn An cũng chỉ rõ, nếu giao ngành công thương lập các quy hoạch này thì khi đưa khu vực dự trữ khoáng sản vào khai thác, hoặc nếu thấy khai thác ở khu vực được phép khai thác sẽ không hiệu quả, gây tác động xấu đến môi trường, buộc phải đưa trở lại thành khu vực dự trữ thì Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải ngồi lại thống nhất với nhau, mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp, tổ chức. Về mặt quản lý Nhà nước thì việc giao nhiệm vụ lập quy hoạch khoáng sản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là phù hợp, đại biểu Dương Văn An nhận định.

Đánh giá kỹ tác động của đưa khoáng sản nhóm IV vào đối tượng quy hoạch

Cũng về nội dung quy hoạch khoáng sản, đại biểu Sùng A Lềnh tán thành với việc đưa khoáng sản nhóm IV vào đối tượng quy hoạch, vì nhiều trường hợp khoáng sản nhóm IV (theo quy định phân nhóm là đất sét, đất đồi, đất đá lẫn cát cuội, sỏi, … chỉ phù hợp mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ) có thể phát sinh nhu cầu khai thác trong quá trình thực hiện dự án xây dựng công trình hoặc phát sinh trường hợp trong thiết kế mỏ được thẩm định có khoáng sản nhóm IV trong bãi thải.

Tuy nhiên, đại biểu Sùng A Lềnh chỉ rõ, những dự án đầu tư xây dựng công trình có thời hạn đều phải bảo đảm tiến độ thực hiện, việc khai thác cũng diễn ra trong thời gian ngắn theo tiến độ thực hiện dự án, công trình. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần đánh giá kỹ càng tác động của việc đưa khoáng sản nhóm IV vào đối tượng quy hoạch.

ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) thảo luận tại tổ. Ảnh: Thanh Hải

ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) thảo luận tại tổ. Ảnh: Thanh Hải

Về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác (Điều 9, dự thảo Luật), các đại biểu cũng lưu ý, hiện nay, còn có những địa phương, người dân sống tại nơi có hoạt động khoáng sản không được thông báo về các thông tin của tổ chức doanh nghiệp hoạt động khoáng sản dẫn đến không đồng tình với hoạt động khoáng sản của tổ chức, doanh nghiệp gây mất an ninh trật tự khu vực. Do vậy, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung “được cung cấp thông tin và tham vấn về các vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản về địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản” vào Điều 9, dự thảo Luật để phù hợp với điều kiện thực tế.

Một số đại biểu đề nghị xem xét, nghiên cứu có thể mở rộng khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, như khu vực có đa dạng sinh học hoặc giá trị sinh thái cao; khu vực có nguy cơ ô nhiễm nước ngầm, bởi hai khu vực nêu trên có mức ảnh hưởng lớn đến cá thể sinh học cũng như môi trường sống của con người và các động, thực vật.

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Khánh Duy

Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 5. Ảnh: Khánh Duy

Đại biểu Dương Văn An cũng lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, hoàn thiện quy định về khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Điều 31 dự thảo Luật, vì quy định như hiện nay dễ gây không thống nhất trong thực hiện, có nguy cơ nảy sinh tình trạng xin - cho. Bởi không khó để thấy sẽ rất dễ có quan điểm khác nhau về việc đâu là “ưu tiên phát triển kinh tế mũi nhọn” của địa phương, vùng miền, hay các tiêu chí khác được dự thảo Luật quy định như “có lợi thế cạnh tranh nổi trội”, “cần dự trữ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội”…

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/hoan-thien-quy-dinh-ve-khu-vuc-du-tru-khoang-san-quoc-gia-i376362/