Hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ phù hợp với yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Chiều 12/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Thực hiện phâp cấp, phân quyền mạnh mẽ

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, quan điểm xây dựng Dự thảo Luật theo nguyên tắc quán triệt các chủ trương của Đảng, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013.

Hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của Chính phủ để khắc phục các vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, xây dựng Chính phủ số trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình - Ảnh: Media.quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình - Ảnh: Media.quochoi.vn

Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ, đồng thời thực hiện phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, pháp quyền, phục vụ Nhân dân...

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 32 điều (giảm 2 chương, 18 điều so với luật hiện hành), bảo đảm tính kế thừa và khái quát cao theo yêu cầu đổi mới xây dựng pháp luật của Tổng Bí thư và Quốc hội, bảo đảm ổn định và tuổi thọ lâu dài trong hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật thiết kế nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ thực hiện theo quy định của Hiến pháp; đồng thời, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ theo hướng: trình Quốc hội quyết định các nội dung cơ bản, quan trọng; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền; trình Chủ tịch nước quyết định đặc xá theo quy định của pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền của Chính phủ.

Quang cảnh phiên họp chiều 12/2 - Ảnh: Media.quochoi.vn

Quang cảnh phiên họp chiều 12/2 - Ảnh: Media.quochoi.vn

Việc xác định nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao gắn với hoàn thiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ với vai trò là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất sẽ bảo đảm nâng cao hiệu quả mối quan hệ giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp với cơ quan thực hiện quyền lập pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Dự thảo Luật cũng hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ (điều 10), trong đó có một số điểm mới như sau: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực. Chính phủ phân công phạm vi quản lý Nhà nước cho các bộ, cơ quan ngang bộ; phân cấp thẩm quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo phạm vi quản lý, bảo đảm phân định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ và người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Chính phủ quyết định các chính sách phát triển ngành, vùng, địa phương, trừ những chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và chính quyền địa phương), bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Media.quochoi.vn

Đối với những vấn đề đã phân quyền cho chính quyền địa phương, thì chính quyền địa phương chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân quyền.

Dự thảo Luật cũng bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, bảo đảm phân định rõ với tư cách hành viên Chính phủ và người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Rà soát bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, UBPL tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có nhiều nội dung liên quan đến các luật đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND... do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu để bảo đảm đồng bộ về chính sách và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp chiều 12/2 - Ảnh: Media.quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp chiều 12/2 - Ảnh: Media.quochoi.vn

Về một số nội dung cụ thể, UBPL tán thành với việc bổ sung quy định tại các điều 7, 8 và 9 về phân quyền, phân cấp, ủy quyền nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương. Đồng thời, đề nghị ban soạn thảo rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với nội dung tại Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, UBPL đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định theo hướng khái quát hơn, đồng thời bảo đảm sự thống nhất với các luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoan-thien-quy-dinh-ve-nhiem-vu-quyen-han-cua-chinh-phu-phu-hop-voi-yeu-cau-sap-xep-tinh-gon-bo-may.html