Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và sử dụng nguồn nhân lực

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đoàn giám sát hoàn thiện dự thảo Báo cáo giám sát, tập trung vấn đề then chốt là hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

Quang cảnh phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)

Quang cảnh phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)

Tiếp tục Phiên họp thứ 47, sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” giai đoạn 2021-2024.

Nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển

Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Đắc Vinh cho biết trong thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh , đại diện Đoàn giám sát trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh , đại diện Đoàn giám sát trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đối với khu vực công lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số lực lượng lao động toàn xã hội, phần lớn có trình độ từ đại học trở lên; công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và phát triển nguồn nhân lực được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định, do vậy, chất lượng, trình độ đội ngũ nhìn chung đáp ứng tốt yêu cầu. Đối với khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng (tốc độ tăng bình quân khoảng 0,65%/năm trong giai đoạn 2021-2024), nhất là trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành, địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2018 đến tháng 10/2024, có 706 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, Đoàn Giám sát cũng nêu một số vấn đề đặt ra. Chính phủ, một số bộ, ngành và hầu hết các địa phương chưa ban hành văn bản tổng thể, định hướng chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, “tổng công trình sư” trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới, nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác như luật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn.

Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, song còn chậm. Cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài chậm đổi mới.

Về giải pháp, Đoàn Giám sát kiến nghị thể chế hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả 4 Nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị, trong đó tập trung thể chế hóa các nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, chủ trương, đường lối của Đảng về hiện đại hóa giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân, dân số và phát triển.

Chính phủ nghiên cứu, ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và bố trí đầy đủ nguồn lực bảo đảm để thực hiện.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, gắn với các nhóm ngành nghề được ưu tiên, những lĩnh vực mới, lĩnh vực quan trọng, đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng đối với học sinh phổ thông.

Chính phủ giao một cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực phát triển, sử dụng nguồn nhân lực ở cả khu vực công và ngoài công lập, chịu trách nhiệm theo dõi, dự báo, xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực quốc gia và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực, dự báo về nguồn nhân lực và lựa chọn lĩnh vực trọng điểm để xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đổi mới công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực và đổi mới hoạt động của Đoàn giám sát để thực hiện nhiệm vụ.

Đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rất rộng, khó liên quan hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước và trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và tất cả các địa phương.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Để hoàn thiện Báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát rà soát các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, nghị quyết Quốc hội trong giai đoạn từ năm 2021-2024; nghiên cứu bổ sung phụ lục tài liệu về kinh nghiệm ở các quốc gia có điều kiện tương tự như nước ta; cân nhắc điều chỉnh liều lượng giữa hai phần ưu điểm và hạn chế, tồn tại trong thực hiện công tác này.

Về công tác đánh giá cán bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chủ trương của Đảng và luật, nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đánh giá cán bộ đã có, vấn đề ở đây là việc cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, nguyên tắc và cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước; thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá cán bộ nên đánh giá chưa chính xác.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện nghiên cứu dự báo và hoạch định chính sách; đổi mới công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, nếu còn thực hiện công tác dự báo theo tư duy “ăn xổi, ở thì” thì khó xây dựng chiến lược tổng thể toàn diện. Bên cạnh xây dựng quỹ học bổng từ ngân sách nhà nước, cần tiếp tục duy trì các quỹ khuyến học, khuyến tài ở địa phương, dòng họ, hộ gia đình.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Báo cáo giám sát, tập trung vào vấn đề then chốt là hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hoan-thien-the-che-chinh-sach-phat-trien-va-su-dung-nguon-nhan-luc-post1048957.vnp