Trình Quốc hội quyết định việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 sang năm 2026
Chiều 10/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Không ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày, do định mức phân bổ ngân sách chỉ áp dụng đối với dự toán ngân sách năm 2026; trong năm 2027, thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành định mức phân bổ mới, áp dụng từ năm ngân sách 2027.
Bộ trưởng cho biết, “nhiều tiêu chí xây dựng định mức phân bổ ngân sách năm 2026 chưa được ban hành mới nên trường hợp các cấp có thẩm quyền ban hành các tiêu chí, phân vùng khác so với các tiêu chí đã quy định trong định mức Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phương án xây dựng định mức phân bổ ngân sách hiện nay”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để trình Quốc hội quyết định kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025 sang năm 2026. Theo đó sẽ ổn định tỷ lệ điều tiết và số bổ sung cân đối giữ như dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Báo cáo thẩm tra về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày.
Theo đó, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí với phương án Chính phủ trình vì việc ban hành Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026 tại thời điểm hiện nay chưa đủ căn cứ do các tiêu chí xây dựng định mức phân bổ ngân sách năm 2026 chưa được ban hành mới như tiêu chí xác định 4 vùng, phân loại xã, đặc khu, số lượng đô thị...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đáng lưu ý, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi được áp dụng trong năm 2026. Nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên cho dự toán năm 2027 trở đi sẽ được xây dựng lại để bảo đảm phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15. Vì vậy, thời gian thực hiện là khá ngắn.
Việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước được áp dụng tương tự trong giai đoạn 2017-2020, kéo dài sang năm 2021 tại Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Theo quy định tại Điều 19 của Luật Ngân sách nhà nước, Quốc hội có thẩm quyền quyết định tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối.
Vì vậy, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội quyết định là đúng thẩm quyền. Theo đó, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ban hành Nghị quyết về nội dung trên để phù hợp với việc trình Quốc hội xem xét việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025 sang năm 2026 tại Kỳ họp thứ Mười khi xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2026 (tương tự như năm 2021).
Không để xảy ra khó khăn, vướng mắc, chậm trễ, bảo đảm chất lượng dự toán
Qua các ý kiến tại phiên họp, kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của cơ quan thẩm tra trình Quốc hội xem xét, quyết định việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025 sang năm 2026. Không ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc lập, tổng hợp trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước năm 2026 theo đúng các quy định của pháp luật về ngân sách, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc, chậm trễ, bảo đảm chất lượng dự toán, phù hợp với dự toán, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và mô hình đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch của dự toán ngân sách nhà nước năm 2026 trình Quốc hội.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị lưu ý ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về bảo đảm công tác thu thuế của các địa phương, các xã được sáp nhập; lưu ý chi cho quốc phòng - an ninh, bảo đảm tuân thủ các quy định về công khai ngân sách nhà nước; cập nhật và bảo đảm khả năng cân đối ngân sách năm 2026, bảo đảm định mức chi thường xuyên, ưu tiên chi cho chế độ đối với công tác tổ chức bộ máy, điều kiện làm việc và cơ sở vật chất của các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa và các đơn vị được sáp nhập, giải quyết chính sách cho cán bộ nghỉ công tác. Đồng thời, lưu ý công tác quản lý tài sản công, nhà đất sau khi sáp nhập.
“Cần bảo đảm đúng quy định về việc chuyển tiếp, áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương hoàn thành mới sau khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, theo quy định của Nghị quyết số 227/2025/QH15 tại Kỳ họp thứ Chín”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Quá trình xây dựng dự toán ngân sách năm 2026 cần tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết 19, Nghị quyết 18 của Trung ương để bảo đảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, không để xảy ra lãng phí, kém hiệu quả trong sử dụng ngân sách, nhất là với các đơn vị có hệ thống ngành dọc.
Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để xây dựng Tờ trình báo cáo Quốc hội xem xét quyết định kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025 sang năm 2026 theo đúng quy định.