Hoàn thiện thể chế tài chính: Tạo 'đường băng' cho doanh nghiệp 'cất cánh'
Ngay từ những ngày đầu giữ trọng trách Tư lệnh ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách, thể chế tài chính (TCTC) đối với sự phát triển của doanh nghiệp (DN) cũng như nền kinh tế, coi đây là 'đường băng' tốt nhất tạo đà cho DN 'cất cánh'.
Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam phỏng vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:
Nhìn lại năm 2023 vừa qua, theo Bộ trưởng, đâu là dấu ấn quan trọng nhất trong công tác hoàn thiện chính sách pháp luật, đổi mới về TCTC - ngân sách nhà nước (NSNN)?
- Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt khả năng dự báo khi xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, thực hiện chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài chính đã chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách tài khóa, tổ chức triển khai quyết liệt để hoàn thành tốt các nhiệm vụ tài chính - NSNN, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) và đời sống người dân. Trong kết quả được ghi nhận ấy, có những đóng góp quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tài chính.
Năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi) và thông qua 05 nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua 02 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 19 nghị định và đang xem xét ban hành 15 dự thảo nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 quyết định và đang xem xét ban hành 02 quyết định; đồng thời ban hành theo thẩm quyền 64 thông tư trong lĩnh vực tài chính - NSNN.
Thực hiện Quyết định 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các Báo cáo nghiên cứu rà soát các luật và phối hợp với các cơ quan có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2023 - 2025 đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi), dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi), dự án Luật Thuế thu nhập DN (TNDN) (sửa đổi), dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại DN (sửa đổi).
Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu, rà soát đối với các Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Quản lý thuế và Luật NSNN. Trên cơ sở kết luận của UBTVQH, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương nghiên cứu để lập đề nghị xây dựng các Luật và báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH.
Mặc dù nhiệm vụ xây dựng thể chế của Bộ Tài chính là khá nặng nề với số lượng văn bản chủ trì soạn thảo hoặc ban hành lớn (thường chiếm \khoảng 1/4 -1/3 khối lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan thuộc Chính phủ), có nội dung phức tạp nhưng Bộ Tài chính đã bảo đảm tiến độ hoàn thành Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra. Qua đó, đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nói chung và hệ thống pháp luật về tài chính nói riêng, góp phần tác động tích cực đến đời sống KT-XH của đất nước, đối phó linh hoạt với các thách thức do khủng hoảng và suy thoái kinh tế đặt ra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD, bảo đảm ASXH…
Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện TCTC sẽ tập trung vào những lĩnh vực gì, thưa Bộ trưởng?
- Chiến lược tài chính đến năm 2030 của ngành Tài chính có đặt mục tiêu tổng quát là: Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia; thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển KT-XH và môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng và ASXH gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030.
Như vậy, có thể thấy nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện TCTC trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề, với yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi ngành Tài chính phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa hoàn thiện TCTC với một số trọng tâm như:
Đối với pháp luật về thuế: Hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế tốt. Nghiên cứu xây dựng mức thuế suất hợp lý, bảo đảm tính công bằng, trung lập của hệ thống chính sách thuế. Tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu. Rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế, loại bỏ các ưu đãi thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế, khoản thu. Thực hiện các giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm cân đối tài chính - NSNN; hoàn thiện cơ chế, chính sách thuế khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách thu ngân sách đối với đất đai, tài sản, tài nguyên;…
Đối với pháp luật về tài chính - NSNN: Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật NSNN, đổi mới phân cấp NSNN theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, nâng cao tính chủ động, tự chủ của ngân sách địa phương, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng thu nội địa đạt trên 85% tổng thu NSNN; từng bước bỏ phương thức quản lý lồng ghép giữa các cấp NSNN,…
Đối với pháp luật về tài chính DN, Bộ sẽ trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào SXKD tại DN cho phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 12-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước.
Bộ cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dự trữ quốc gia, xây dựng, hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực ngoài ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia; tăng cường khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động này. Ngoài ra, sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá 2023. Qua đó, tạo lập môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực giá, đẩy mạnh phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, góp phần thúc đẩy hoạt động SXKD của các tổ chức, cá nhân.
Cụ thể, năm 2024, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ các dự án Luật nào, thưa Bộ trưởng?
- Năm 2024, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến đối với nhiều dự án Luật như: dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi), Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào SXKD tại DN (sửa đổi). Đồng thời, hoàn thành có chất lượng chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Bộ Tài chính (dự kiến trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành khoảng 50 nghị định, quyết định và các đề án khác; ban hành theo thẩm quyền khoảng gần 100 thông tư).
Trong thời gian tới, công tác hoàn thiện thể chế sẽ hết sức nặng nề với yêu cầu ngày càng cao, nhưng từ những kết quả và kinh nghiệm đã được tích lũy trong công tác xây dựng pháp luật, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính thì TCTC sẽ không ngừng được hoàn thiện để góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của đất nước và thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!