Sáng 22/1 (23 tháng Chạp), tại Đại nội Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức lễ dựng nêu (Thướng tiêu), chương trình nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2025.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện nghi lễ trước lúc dựng nêu.
Nghi lễ dựng nêu hay còn gọi Thướng tiêu là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn. Ngoài quan niệm tâm linh dân gian, lễ dựng nêu còn có mục đích báo hiệu ngày Tết đã đến.
Được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện lần đầu tiên vào năm 2013, từ đó đến nay, lễ dựng nêu trở thành một truyền thống không thể thiếu ở Khu Di sản Huế mỗi khi bắt đầu Tết.
Lễ dựng nêu được thực hiện trang trọng, thu hút sự theo dõi của nhiều người dân, du khách.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, vào thời Nguyễn, lễ dựng nêu được tổ chức bài bản, trên ngọn nêu còn treo ấn tín, đoản kiếm, bút lông biểu trưng cho việc phong ấn báo hiệu triều đình nghỉ ngơi khi Tết đến.
Lễ dựng nêu ngày Tết tại Hoàng cung là nghi lễ truyền thống, thể hiện bản sắc xứ Huế, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Cố đô.
Cây nêu cao vút treo ấn tín trên đầu ngọn cây, với dải lụa đỏ tung bay trong gió trở thành biểu tượng thiêng liêng, mang ý nghĩa cầu mong bình an, xua đuổi điều xấu và chào đón một năm mới hanh thông, tốt lành.
Cây nêu dựng trong Đại Nội là một cây tre lớn, dài 15m được vác bởi 10 lính vệ khỏe mạnh trong trang phục chỉnh tề.
Theo tục lệ ngày xưa, sau khi nhà vua dựng cây nêu ở Đại Nội xong, người dân mới tiến hành dựng nêu ở nhà mình... Lễ hạ nêu sẽ được tiến hành vào sáng mồng 7 tháng Giêng, sau lễ hạ nêu, mọi công việc mới khởi sự. Ảnh: Đình Hoàng.
Hoàng Dũng