Hoàng giáp Tiến sĩ Lưu Ngạn Quang: Bảng vàng bia đá truyền mãi mãi
Trên đất học Cổ Bôn xưa (nay thuộc xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn), người ta vẫn truyền tụng nhiều câu ca: 'Có nơi đâu bằng phong cảnh Cổ Bôn ta/ Trải bốn mùa đàn độc xướng ca/ Kể trong trấn Thanh Hoa là đệ nhất'; 'Em là con gái Kẻ Bôn/ Đi bán trầu miếng, nuôi chồng đi thi/ Ba năm chồng đỗ kinh kỳ/ Chàng đi ngựa tía, thiếp đi võng đào' để nhắc nhớ về vùng đất học, đất của những con người hay chữ nơi có 7 người đỗ đại khoa. Trong đó, không thể không nhắc tới Hoàng giáp Tiến sĩ Lưu Ngạn Quang.
Kẻ nghèo hèn thành người khai khoa
Theo các nguồn tư liệu làng Cổ Bôn và nguồn sử đăng khoa, Hoàng giáp Lưu Ngạn Quang (đỗ khoa Tân Sửu 1481 dưới triều vua Lê Thánh tông) là người mở đầu cho truyền thống khoa bảng của Cổ Bôn.
Cha của ông vốn là người ở làng Viên Khê chuyển về đất Cổ Bôn sinh sống. Từ hai bàn tay trắng, không biết làm gì, ông đành phải đi ở cho các gia đình giàu có trong vùng. Tại đây, ông đã kết hôn với một cô gái làng Dà cũng mồ côi cha mẹ, và sinh ra Lưu Ngạn Quang. Nhưng rồi, cha của Lưu Ngạn Quang cũng mất sớm, ông lại tiếp tục đi ở hết nhà này tới nhà khác để trừ nợ và dành tiền nuôi mẹ.
Khi trừ nợ xong Ngạn Quang trở về làm thuê cùng mẹ. Không đặng mãi cảnh làm thuê cuốc mướn, Ngạn Quang nảy ra ý định đi buôn, từ buôn nhỏ trở thành buôn lớn. Trớ trêu thay dưới sự đàn áp bóc lột của bọn tham quan ô lại, tìm cách kìm hãm dân lành, ông đã không chỉ mất nghề mà tay trắng hoàn trắng tay. Ở tuổi 21, Ngạn Quang quyết chí đi học.
Ban ngày, ông khi đi làm thuê, khi lại chạy chợ từ nơi này sang nơi khác, nhưng đêm đến là đèn sách đi học. Chí đã quyết, biết là vất vả nhưng ông không sao nhãng việc học hành, hơn nữa lại sáng dạ thông minh, thầy dạy thấy vậy thương tình không lấy tiền công, dân làng ai cũng mến phục. Ngạn Quang được người bán nước cảm thông gả con gái cho. Kể từ đấy vợ chồng yên ổn. Nhưng chí đã quyết, chỉ có dùi mài kinh sử, đỗ đạt làm quan mới thay đổi cuộc đời.
Học hết ba năm, Lưu Ngạn Quang tròn 24 tuổi, năm đó triều đình mở khoa thi Hương, ông từ biệt mẹ và vợ vác lều chõng đi thi, quả nhiên đỗ ngay Hương cống, sau đó ông tiếp tục lên kinh theo học. Kỳ thi Hội, Lưu Ngạn Quang cũng vượt qua một cách dễ dàng để tiến vào thi Đình.
Khoa thi năm Tân Sửu (1481) đời vua Lê Thánh tông niên hiệu Hồng Đức thứ 12 Lưu Ngạn Quang ứng thí. Từ hơn 2.000 thí sinh, triều đình đã tuyển chọn được 31 người, và ông đã đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp). Tại Văn Miếu vẫn còn văn bia đề danh tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức năm thứ 12 (1481), dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) ghi rất rõ về cuộc thi và danh sách những người đỗ đạt.
Đến một vị quan thanh liêm chính trực
Ra làm quan, Lưu Ngạn Quang rất mực thanh liêm chính trực. Vốn xuất thân từ cảnh cơ hàn, lớn lên lại phải chịu bao sóng gió cuộc đời nên ông rất hiểu nỗi cơ cực của người dân thường. Ông suốt đời làm điều phúc đức cho dân, bởi vậy được triều đình trọng dụng và bổ ông giữ chức Giám sát Ngự sử, Lễ bộ Tả thị lang khi mới 25 tuổi.
Để tưởng nhớ công lao, sau khi ông mất đã được Nhân dân lập đền thờ. Công lao của ông cũng được sử sách ghi lại trong “Đại Việt sử ký toàn thư” và được khắc tên tuổi trên bia đá Quốc Tử Giám, ghi trong bia văn chỉ huyện Đông Sơn xây dựng năm 1776 để lưu danh muôn đời.
Sau Hoàng giáp Lưu Ngạn Quang, ở trên đất Cổ Bôn xưa còn còn có Tiến sĩ Nguyễn Văn Nghi, đỗ nhất Giáp chế khoa thời vua Lê Trung tông, vào năm 1554; Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Khải, người có nhiều công lao, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng quốc gia Đại Việt cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII; Hàn lâm viện Nguyễn Văn Lễ, đỗ Hoàng giáp khoa Nhâm Dần (1602), đời vua Lê Kính tông...
Sự nghiệp của Hoàng giáp Lưu Ngạn Quang còn được ghi thành 2 câu thơ: Kim bảng thạch bi truyền bất hủ/ Thái Sơn, Bắc Đẩu ngưỡng duy cao (Bảng vàng bia đá truyền mãi mãi/ Công người như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu).
Ngoài ra, có tài liệu còn ghi lại rằng: Ông cũng chính là người khai phá làng Thanh Oai, nay thuộc xã Đông Khê theo tên làng Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Rồi khi về ở với vợ kế tại thôn Đa Biểu và thôn Sơn Phú, huyện Nông Cống (nay là xã Vân Sơn, Triệu Sơn), và mất, mộ phần ông được an táng tại đây. Do vậy họ Lưu (tổ Lưu Ngạn Quang) hiện có 3 nơi là: Đa Biểu xã Vân Sơn (Triệu Sơn); thôn Thanh Oai ở xã Đông Khê, thôn Kim Bôi ở xã Đông Thanh (Đông Sơn).
Về từ đường thờ tiến sĩ Lưu Ngạn Quang (còn gọi là từ đường dòng họ Lưu) ở thôn Kim Bôi, xã Đông Thanh, chúng tôi được gặp ông Lưu Xuân Tính, hiện là tộc trưởng. Tự hào về cụ tổ của mình, ông giới thiệu: Từ đường thờ Hoàng giáp Tiến sĩ Lưu Ngạn Quang được xây dựng từ khi cụ mới qua đời, song do biến thiên lịch sử, di tích gốc không còn mà chỉ là công trình được phục hồi vào thời Nguyễn, thế kỷ XIX.
Bà Lê Thị Ngọc, sinh năm 1936, là cháu dâu của dòng họ kể lại: Từ khi về làm dâu họ Lưu đến nay đã hơn 70 năm, từ đường đã hiện diện và tồn tại trong đời sống của tôi và các con cháu. Cùng với thời gian, từ khi chồng tôi còn sống, ông đã muốn sửa chữa lại nhà từ đường, nhưng vì điều kiện kinh tế còn hạn chế nên chưa thực hiện được tâm nguyện này. Đến nay, khi nhà từ đường được công nhận di tích cấp tỉnh, thì việc sửa chữa càng khó.
Có được tận mắt ngắm nhìn từng viên ngói, từng nét khắc chúng ta mới thấy sự nỗ lực bảo vệ của con cháu dòng họ, đặc biệt là ông Lưu Xuân Tính, người trực tiếp trông coi, giữ gìn. Được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ tháng 12/2011, đến nay là 12 năm, từ đường Hoàng giáp Tiến sĩ Lưu Ngạn Quang chưa một lần được sự quan tâm “tiền nhang khói còn chưa có, nên chúng tôi cũng chẳng dám mong được hỗ trợ cái gì to tát. Là con cháu, trách nhiệm thờ các bậc tiền nhân, chúng tôi mỗi ngày phải cố gắng”.
Bài viết có sử dụng tư liệu Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481); Lý lịch di tích...