Hoạt động Quốc hội năm 2023: Giám sát, tháo gỡ những điểm nghẽn

Tại kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội khóa XV, các vị ĐBQH đã có nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng luật, giám sát tối cao, cho đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều vấn đề dân sinh, mang hơi thở của cuộc sống đã được phản ánh tới nghị trường.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 23/10/2023. Nguồn: quochoi.vn

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 23/10/2023. Nguồn: quochoi.vn

Lãng phí cũng như tham nhũng

Đánh giá về kết quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) cho rằng: Lãng phí cũng như tham nhũng, là vấn đề rất quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần phải có các biện pháp xử lý quyết liệt, mạnh mẽ, nghiêm khắc với các hành vi gây lãng phí ở mức độ như việc xử lý các hành vi tham nhũng hiện nay.

“Qua giám sát của Quốc hội, về cơ bản trong cả hệ thống chính trị đã có một sự chuyển biến rất tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hiện tượng vốn chờ công trình, công trình chờ vốn cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, qua giám sát, đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra một số hạn chế. Đó là vẫn còn một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm túc trong chấp hành, kỷ luật, kỷ cương thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng, giải ngân. Tuy nhiên, số lượng cơ quan, đơn vị trên không nhiều. Bên cạnh đó, công tác đầu tư công vẫn có những thiếu sót như giải ngân chậm do còn vướng nhiều thủ tục khiến một số công trình bị ách tắc, gây lãng phí hay có những công trình “đắp chiếu, trùm màn” chỉ vì vướng thủ tục pháp lý chưa rõ ràng” - ông Hòa nêu rõ.

Năng suất lao động vẫn thấp

Đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) nhấn mạnh tốc độ tăng năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng mà nhìn vào đó chúng ta có thể đánh giá được hiệu suất làm việc của lao động là yếu tố cơ bản, yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Trong báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng năng suất lao động năm 2022 không đạt, trong khi các chỉ tiêu khác để đảm bảo cho tăng trưởng, năng suất lao động đều đạt và vượt. Điều này chứng tỏ chất lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp và ý thức lao động chưa cao, tiềm năng lao động chưa được khai thác tốt.

“Điều đáng suy nghĩ là trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, chúng ta đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải thiện năng suất lao động, nhưng chỉ số tăng năng suất lao động của chúng ta ngày càng tỷ lệ nghịch với nỗ lực đó. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động tăng bình quân là 5,8% một năm. Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, GDP chỉ tăng 2,8%, năng suất lao động tăng 4,71%; sang năm 2022, GDP ước tăng 8% thì năng suất lao động chỉ ước tăng từ 3,8 đến 4,3%” - bà Nga phân tích.

Tránh thất thoát nguồn lực đất đai

Cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ĐB Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH Hà Nam) nhấn mạnh vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang còn nhiều tồn tại. Chủ trương của Đảng là kiên quyết không để người dân bị đẩy ra ngoài lề của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chính vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

“Đất đai là tài sản lớn nhất của quốc gia và để khơi dậy tiềm năng phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện trong đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí thì cần phải xử lý được 2 vấn đề lớn đó là chênh lệch địa tô và giá đất” - ông Khải nói.

Điều chỉnh việc xây dựng luật, pháp lệnh

Liên quan đến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Những tồn tại của công tác lập pháp từ rất nhiều nhiệm kỳ, 5-7 nhiệm kỳ chúng ta đã nêu lên. Cần có một giải pháp để khắc phục lợi ích nhóm, có lợi cho người quản lý. Có lúc chúng ta nói có những điều luật giống như ngồi trong phòng máy lạnh mà làm, rất xa lạ với người dân, bất hợp lý. Phải giải quyết vấn đề này bằng cách trả lời 2 câu hỏi. Thứ nhất, ai soạn thảo? Thứ hai, Ban soạn thảo ấy đặt ở đâu? do ai chỉ đạo?

Theo ông Nghĩa: Luật phải có những chuyên gia, chuyên ngành. Ban soạn thảo thành phần thứ nhất có thể là một số cán bộ của bộ chuyên ngành cử vào. Loại chuyên gia soạn thảo thứ hai là những người của các ngành pháp luật vì chuyên gia chuyên ngành không rành về kỹ thuật soạn thảo văn bản pháp quy, nhưng Bộ Tư pháp hoặc các giáo sư luật thì có thể hiểu biết về soạn thảo văn bản pháp quy nhưng không thông thạo những vấn đề của chuyên ngành. Thành phần thứ ba là những chuyên gia độc lập, những nhà khoa học hoặc những người có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đó mà họ không trực thuộc ban, ngành nào cả, có uy tín trong xã hội, họ đại diện cho những đối tượng điều chỉnh của luật đó. Thành phần thứ ba này bảo đảm sự khách quan nhưng cũng bảo đảm được tiêu chí chuyên ngành và có kiến thức về soạn thảo văn bản pháp quy. Đấy là vấn đề cơ cấu của Ban soạn thảo.

Cử tri trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực

Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng năm 2023, ĐBQH Bố Thị Xuân Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh và có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được nhiều cái kết quả rất quan trọng, rõ rệt được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, quốc tế ghi nhận.

“Tuy nhiên qua tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến của cử tri và Nhân dân cho thấy, cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn tham nhũng “vặt”, nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân, thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử” - bà Linh nói và đưa ra kiến nghị: Để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong năm 2024 và những năm tiếp theo cần phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại. Phát huy vai trò của người đứng đầu đối với nhiệm vụ này là vấn đề cấp bách hiện nay.

Đưa kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri thành một nội dung trong thi đua

Cho ý kiến về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Đặng Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình cho rằng: Trong thời gian qua với sự quyết tâm của Quốc hội, cùng với sự chủ động, phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, việc xem xét, nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của cử tri đã có những thay đổi tích cực.

Bên cạnh đó, theo bà Ngọc, công tác tiếp nhận, trả lời kiến nghị cũng còn những vấn đề tồn tại, hạn chế như: việc tổng hợp báo cáo của một số đoàn còn chậm, có những nội dung các tỉnh tổng hợp gửi trung ương nhưng chưa đúng thẩm quyền, vẫn còn những nội dung trả lời của một số bộ, ngành chưa sát, đúng và trúng kéo dài; nội dung trả lời chung chung, chưa rõ ràng, khó cho các địa phương thực hiện; có nhiều kiến nghị liên quan đến việc giải quyết của nhiều bộ, ngành trung ương chưa được các bộ, ngành quan tâm đúng mức.

“Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương thường xuyên chỉ đạo và đưa kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri thành một nội dung về công tác thi đua, khen thưởng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành để chỉ đạo trong tổ chức thực hiện” - bà Ngọc nêu rõ.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoat-dong-quoc-hoi-nam-2023-giam-sat-thao-go-nhung-diem-nghen-10270446.html