Hoạt động trợ giúp pháp lý tại Hà Tĩnh được xếp top đầu cả nước
Đó là đánh giá của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) Cù Thu Anh tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2020.
Sáng 21/7, Sở Tư pháp Hà Tĩnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025.
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 1/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã trình UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch số 467/KH-UBND ngày 30/9/2015 về thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025 trên địa bàn Hà Tĩnh.
Theo đó, đề án thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, chú trọng vụ việc tham gia tố tụng; đẩy mạnh hoạt động truyền thông về TGPL; xây dựng đề án vị trí việc làm của Trung tâm TGPL; đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ người thực hiện TGPL.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Tuấn: Qua 5 năm thực hiện đề án, công tác TGPL có nhiều chuyển biến tích cực; được các cấp, ngành, địa phương đánh giá cao.
Giai đoạn triển khai đề án đổi mới khi Luật TGPL 2017 có hiệu lực (từ ngày 1/6/2015 đến 31/12/2017), Trung tâm TGPL đã thực hiện 4.236 vụ việc TGPL. Trong đó, thực hiện tư vấn tại trụ sở và cơ sở 3.992 vụ việc (tăng 1,2 lần so với trước khi đổi mới); tham gia tố tụng 229 vụ việc (tăng gấp 4,9 lần). Thẩm định, đánh giá chất lượng 199 hồ sơ vụ việc TGPL trong tố tụng.
Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện TGPL theo hướng chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tranh tụng. Huy động lực lượng xã hội tham gia TGPL. Quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức; tổ chức 327 cuộc TGPL tại các xã nghèo, thu hút gần 30.000 lượt người tham gia.
Các trợ giúp viên pháp lý thực hiện tư vấn, hướng dẫn tại chỗ các vướng mắc pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai, thừa kế và một số thủ tục hành chính cho người dân Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu.
Trong giai đoạn triển khai Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (từ 1/1/2018 đến 30/6/2020), Trung tâm TGPL đã thực hiện 3.494 vụ việc TGPL, trong đó, thực hiện hướng dẫn 3.052 vụ việc; tham gia tố tụng 439 vụ việc.
Công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức, kỹ năng áp dụng các văn bản luật; kỹ năng nghiên cứu hồ sơ và kỹ năng thuyết trình tại phiên tòa cho trợ giúp viên pháp lý thường xuyên được triển khai. Nhờ đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện TGPL để bào chữa bảo vệ tăng cả về số lượng, chất lượng và đa dạng hóa về tội danh. Chất lượng các vụ việc ngày càng được nâng cao, hoạt động TGPL có những chuyển biến tích cực.
Ngoài ra, cấp phát miễn phí 30.000 cuốn tài liệu pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân; tổ chức 246 cuộc truyền thông và TGPL thu hút 19.600 lượt người tham gia...
Thượng tá Nguyễn Thị Kim Chung - Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh: Cần có sự đổi mới về hình thức tuyên truyền qua loa phát thanh nhằm thu hút sự quan tâm của người dân.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá đề án đổi mới công tác TGPL trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản đảm bảo quyền được TGPL của người dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; bước đầu xây dựng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý chuyên nghiệp; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đề án như: Việc huy động lực lượng xã hội tham gia thực hiện TGPL không nhiều, chỉ 9/44 luật sư ký hợp đồng tham gia TGPL. Trong Luật TGPL 2017 không quy định về lộ trình chuyển đổi trung tâm thành cơ quan thực hiện quản lý Nhà nước về TGPL vào năm 2025.
Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Phan Lệ Thúy cho rằng cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Trung tâm TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian tới
Nhu cầu TGPL ngày càng tăng (mỗi năm 1.800 vụ việc) nhưng nguồn nhân lực tại chỗ còn mỏng (chỉ có 13 viên chức). Về truyền thông TGPL mới tập trung ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phức tạp về an ninh trật tự. Số lượng vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng tuy có xu hướng tăng dần nhưng còn thấp so với tổng vụ việc được cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý và đưa ra xét xử.
Cục trưởng Cục TGPL Cù Thu Anh: Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh là một trong những đơn vị được xếp ở top đầu cả nước; các hoạt động của trung tâm trong 5 năm qua đã đạt đủ 3 tiêu chí đề án đặt ra. Thời gian tới, trung tâm cần có kế hoạch bổ sung thêm nguồn nhân lực để mở rộng đối tượng được trợ giúp; tăng cường tập huấn, nâng cao hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa trợ giúp viên pháp lý với các luật sư để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đề án đổi mới công tác TGPL trong thời gian tới: cần sửa đổi, bổ sung đề án với mục tiêu tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng; chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Có văn bản hướng dẫn về tổ chức và biên chế của Trung tâm TGPL Nhà nước để tổ chức thực hiện trên toàn quốc; mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý theo hướng chuyên sâu...