Học 3 ngành đại học, vẫn khởi nghiệp từ vỏ tỏi

Chàng trai 22 tuổi Đinh Văn Nam và nhóm bạn sinh viên đang gây chú ý với một ý tưởng khởi nghiệp táo bạo: Biến vỏ tỏi thành sản phẩm 'hái ra tiền'

Từng có thời gian du học tại Úc, tốt nghiệp ngành kiến trúc đô thị thông minh và ngành quản trị kinh doanh tại ĐH Kinh tế TP HCM, năm 2023, Đinh Văn Nam vẫn quyết định "rẽ hướng". Anh đăng ký học thêm ngành thứ 3 tại Trường ĐH Công Thương TP HCM.

Những sản phẩm đầu tiên

Nam cho biết anh xuất thân từ một gia đình kinh doanh, vì vậy bản thân cũng có "máu" khởi nghiệp từ sớm. Năm 20 tuổi, khi đang học song ngành tại ĐH Kinh tế TP HCM, Nam quyết định "chơi lớn" bằng cách đăng ký học thêm ngành thứ 3.

Với Nam, việc chuyển hướng học thêm ngành công nghệ tài chính không phải là quyết định ngẫu hứng mà là một sự tính toán chiến lược. Bởi lẽ, Nam nhận thấy Trường ĐH Công Thương TP HCM là một "vườn ươm" có phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để anh có thể hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh ấp ủ.

Đinh Văn Nam luôn miệt mài học tập và nghiên cứu

Đinh Văn Nam luôn miệt mài học tập và nghiên cứu

Gia đình Nam có xưởng sơ chế nông sản, chuyên sơ chế tỏi cho các nhà máy lớn ở TP HCM. Mỗi ngày, xưởng sơ chế thải ra khoảng 1 tấn vỏ tỏi nhưng không thể chôn lấp như các loại rác thải sinh học khác, do có chất kháng sinh tự nhiên.

Hằng tháng, gia đình Nam tốn 30 triệu đồng để xử lý lượng phế phẩm này. Điều đó đã khiến anh trăn trở rất nhiều, làm sao để vừa có thể tận dụng được lượng vỏ tỏi này mà không ảnh hưởng đến môi trường vừa tạo ra giá trị kinh tế.

Năm 2023, dự án viên nén sinh khối làm từ vỏ tỏi mang tên NIION được Nam (nhóm trưởng) và các bạn đến từ Trường ĐH Công Thương TP HCM, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, ĐH Kinh tế TP HCM, Trường ĐH VinUni và Trường Cao đẳng Conestoga (Canada) bắt đầu nghiên cứu. Sau đó không lâu, những viên nén đầu tiên ra đời.

Độc đáo, ấn tượng

Cuối năm 2024, khi dịch sốt xuất huyết xảy ra ở một số địa phương, Nam liền nhớ đến hợp chất allicin trong vỏ tỏi. Allicin có khả năng đuổi muỗi mà không gây hại cho sức khỏe. Từ đây, công dụng của viên nén vỏ tỏi do nhóm anh chế tạo ngày càng được mở rộng.

Nghiên cứu kỹ, Nam nhận thấy cấu tạo của vỏ tỏi tương tự giấy nhưng thô hơn, chứa nhiều dược chất, khi đốt không thải ra nhiều khí CO2. Nếu nén vỏ tỏi thành than sẽ giải quyết được nhiều vấn đề - từ nguồn nhiên liệu đến năng lượng, lại giảm ô nhiễm môi trường.

Dự án khởi nghiệp của anh và cộng sự vừa được trao giải ba tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” vào tháng 4-2025

Dự án khởi nghiệp của anh và cộng sự vừa được trao giải ba tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” vào tháng 4-2025

"Vỏ tỏi là một loại dược phẩm tiềm năng. Viên nén làm từ vỏ tỏi an toàn và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, vượt trội so với các loại than truyền thống. Khi đốt, than từ vỏ tỏi có khả năng xông phòng, xông hơi, tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch một cách tự nhiên" - Nam nhận xét.

Bài toán về nhân sự, việc cân bằng giữa học tập và công việc khởi nghiệp cũng đặt ra không ít thách thức cho chàng sinh viên trẻ. Tuy vậy, Nam đã xây dựng được một đội ngũ cộng sự đa dạng, trải dài từ Bắc vào Nam và cả sinh viên đang học tập tại nước ngoài cũng tham gia dự án này.

Phạm Mai Trang, sinh viên năm 3 ngành kinh tế đối ngoại - Trường ĐH Ngoại Thương (Hà Nội), cho biết đang đảm nhận vai trò xây dựng thương hiệu và triển khai các hoạt động marketing cho dự án than nén NIION. Dù phải làm việc từ xa nhưng cô vẫn cảm thấy rất thoải mái và bảo đảm năng suất.

"Tôi và nhóm đã xây dựng quy trình làm việc online hiệu quả. Dựa trên các hình ảnh và video thực tế mà nhóm ở TP HCM cung cấp, tôi đã giới thiệu và kết nối sản phẩm với những bạn trẻ ở Hà Nội" - Trang hào hứng.

Trang đã sử dụng kiến thức về kinh tế và xuất nhập khẩu để đưa sản phẩm viên nén NIION lên các sàn thương mại điện tử, xây dựng câu chuyện thương hiệu. Cô tin rằng việc học đi đôi với hành sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho tương lai.

Với thành phần 100% hữu cơ sinh học, sản phẩm than nén NIION an toàn cho sức khỏe, không gây độc hại. Sản phẩm này còn có tiềm năng ứng dụng trong ẩm thực, tăng thêm hương vị đặc biệt cho món nướng. Tro than sau khi sử dụng có thể tái chế thành phân bón hữu cơ cho cây trồng. Ngoài ra, nhóm còn ấp ủ sản phẩm sẽ có mặt trong lĩnh vực quốc phòng, giúp các anh bộ đội sưởi ấm, nấu ăn và đuổi côn trùng trong điều kiện dã chiến.

"Mỗi viên nén với khối lượng 12,5 g cháy trong 10 - 15 phút. Nếu so sánh với than củi, than đá cùng khối lượng, thời gian cháy của viên nén vỏ tỏi lâu hơn và giảm đến 80% lượng khí thải CO2" - nhóm trưởng Đinh Văn Nam so sánh.

PGS-TS Mai Huỳnh Cang, Trưởng Bộ môn Hợp chất thiên nhiên - Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhận xét dù trên thế giới đã có những sản phẩm được phát triển từ phụ phẩm nông nghiệp, song sản phẩm than nén NIION vẫn nổi bật với ý tưởng độc đáo và ấn tượng.

PGS-TS Mai Huỳnh Cang nhận định: "Sản phẩm này không chỉ giúp giải quyết vấn đề phụ phẩm và phế phẩm trong nông nghiệp mà còn hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế thiết thực cho nông dân".

Theo PGS-TS Mai Huỳnh Cang, việc lựa chọn nguyên liệu để sản xuất viên nén đòi hỏi phải bảo đảm về các yếu tố quan trọng như nhiệt lượng và hàm lượng cellulose. Bên cạnh đó, việc đánh giá toàn diện sản phẩm cần xem xét giá trị sinh nhiệt, thành phần khí sinh ra trong quá trình sử dụng, nhất là hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.

Kinh nghiệm học tập và sinh sống ở nhiều nền văn hóa khác nhau đã trang bị cho Nam khả năng thích ứng và làm việc hiệu quả trong môi trường đa dạng. Anh và nhóm bạn trẻ đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ khởi nghiệp, mang than nén vỏ tỏi vươn xa hơn.

Dự án viên nén từ vỏ tỏi NIION do nhóm Đinh Văn Nam nghiên cứu chế tạo đã đoạt giải ba cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ VII năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức.

Bài và ảnh: Huế Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoc-3-nganh-dai-hoc-van-khoi-nghiep-tu-vo-toi-19625051121190644.htm